Bị Bắc Kinh cấm cửa, tôm hùm Úc "lẻn" vào đại lục qua Hong Kong
Kể từ khi các lô hàng tôm hùm đá Úc nhập khẩu trực tiếp vào Trung Quốc đại lục bị đình trệ hồi tháng 11 năm ngoái do căng thẳng song phương, Hong Kong (Trung Quốc) đã trở thành nhà nhập khẩu tôm hùm Úc lớn nhất thế giới. Ước tính kim ngạch nhập khẩu tôm hùm Úc hàng tháng vào Hong Kong đã tăng hơn 2.000% trong khoảng thời gian tháng 10/2020 đến tháng 4/2021.
Một phần nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng kỷ lục này có thể do giá thấp hơn thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của người Hong Kong gia tăng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sự gia tăng đáng kể có nhiều khả năng đến từ nhu cầu tại Trung Quốc đại lục, khi tôm hùm Úc từ Hong Kong được đưa vào đại lục thông qua “chợ xám” - một thuật ngữ để chỉ các hoạt động trao đổi hàng hóa một cách hợp pháp nhưng phi chính thức, ngoài mong muốn của nhà sản xuất và các cơ quan điều tiết thị trường.
Deborah Elms, giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại Châu Á có trụ sở tại Singapore, cho biết: “Rất khó có khả năng người dân Hong Kong đột ngột mua và ăn tôm hùm nhiều hơn 20 lần nhu cầu bình thường trong 6 tháng qua”.
Tôm hùm là một trong hàng loạt mặt hàng xuất khẩu của Úc chịu ảnh hưởng từ cuộc tranh chấp thương mại giữa Canberra và Bắc Kinh. Hôm 1/11/2020, hàng loạt các nhà xuất khẩu tôm hùm Úc buộc phải ngừng xuất hàng sang Trung Quốc do quan ngại hàng bị lưu cảng lâu vì nước chủ nhà tăng cường quy trình kiểm tra dư lượng khoáng chất và kim loại. Sự việc bắt nguồn từ việc hải quan Trung Quốc giữ lại một lô hàng tôm hùm đá Úc để kiểm nghiệm nhưng không có thông tin chi tiết về thời điểm công bố kết quả. Trong quá trình kiểm nghiệm, mọi lô hàng tôm hùm sống từ Úc sẽ bị chặn nhập khẩu vào Trung Quốc và bị lưu kho tại cảng.
Tổ chức Tư vấn Thương mại Hải sản Úc thời điểm đó đã khuyến nghị các nhà xuất khẩu tôm hùm ngừng xuất hàng sang Trung Quốc. "Để giảm nguy cơ bị lưu cảng, khuyến nghị các nhà xuất khẩu đồng loạt ngưng cung cấp tôm hùm cho Trung Quốc cho đến khi nắm rõ thông tin về quy trình kiểm dịch mới” - tổ chức này tuyên bố.
Trung Quốc đại lục trước đó là thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng tôm hùm đá Úc. Theo số liệu thống kê chính thức của chính phủ Úc do Tổng công ty Nghiên cứu và Phát triển Thủy sản có trụ sở tại Canberra công bố, Trung Quốc chiếm 93% kim ngạch xuất khẩu tôm hùm Úc trong giai đoạn 2019-2020, với tổng giá trị xuất khẩu lên tới 544 triệu AUD (412 triệu USD).
Tôm hùm được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng, coi là biểu tượng của sự thịnh vượng do màu đỏ rự c rỡ và ý nghĩa may mắn. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu tôm hùm Úc vào Trung Quốc đại lục đã giảm mạnh 99% so với cùng kỳ năm ngoái do các lệnh hạn chế của Bắc Kinh.
Trong khi đó, giá trị xuất khẩu tôm hùm từ Úc sang Hong Kong (Trung Quốc) riêng trong tháng 4/2021 đã lên tới 25 triệu AUD, tức mức xuất khẩu hàng tháng cao nhất kể từ tháng 2/2013 đến nay. Tính riêng giá trị xuất khẩu tôm hùm Úc sang Hong Kong trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 78,1 triệu AUD, cao gấp 3 lần tổng giá trị nhập khẩu của cả năm 2020.
Có một thực tế là trên nền tảng thương mại buôn bán của Baidu, nhiều nhà cung cấp Trung Quốc vẫn đang bán tôm hùm Úc bất chấp kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này vào đại lục giảm chưa từng có. JD.com, sàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc hiện vẫn đăng bán mặt hàng tôm hùm Úc tươi sống với giá khoảng 1.500 Nhân dân tệ (232 USD)/ con. Một số nhà cung cấp có thể giao hàng ngay trong ngày tại khu vực Quảng Đông.
Theo ông Deborah Elms, nhiều khả năng các nhà nhập khẩu đã sử dụng con đường Hong Kong như một biện pháp lách hạn chế của Bắc Kinh.
Ông Andrew Hudson từ Công ty Luật Rigby Cooke chuyên về hải quan và thương mại có trụ sở tại Melbourne cũng cho hay chính phủ Úc đã duy trì tuyến hàng không đến Hong Kong (Trung Quốc) suốt thời gian đại dịch thông qua Cơ chế Hỗ trợ Vận tải Quốc tế. Theo ông Hudson, nhiều khả năng có hiện tượng “chợ xám” diễn ra khiến xuất khẩu tôm hùm từ Úc sang Hong Kong tăng đột biến như vậy.
Dữ liệu hải quan Trung Quốc cũng cho thấy kim ngạch nhập khẩu cá và hải sản vào đại lục từ đặc khu Hong Kong đã tăng mạnh từ mức 500.247 USD vào tháng 9 năm ngoái lên 10,6 triệu USD vào tháng 4/2020.