Nông nghiệp công nghệ cao Hà Lan: tay không chạm đất vẫn hốt bạc tỷ
Là quốc gia xuất khẩu nông sản thứ hai thế giới, Hà Lan không canh tác hoa màu trên những thửa ruộng, quả đồi bát ngát. Người Hà Lan làm nông nghiệp công nghệ cao trong những nhà kính, qua đó tận dụng tối đa diện tích đất nông nghiệp có hạn tại một quốc gia mà tổng diện tích cả nước chưa đầy 42.000km2. Năm 2019, giá trị xuất khẩu nông sản của Hà Lan đạt 94,5 tỷ EUR.
Nhìn từ trên cao, những nhà kính nối tiếp nhau tạo thành quang cảnh chủ đạo trong kiến trúc của miền Nam Hà Lan. Số nhà kính trên toàn quốc gia này có thể bao phủ một diện tích hơn 36 dặm vuông, tức chỉ lớn hơn đảo Manhattan của Mỹ. Chiếm diện tích nhỏ nhưng những nhà kính này đang giúp Hà Lan trở thành nước xuất khẩu nông sản thứ hai thế giới với năng suất đáng kinh ngạc.
Vùng Westland được tạp chí National Geographic mệnh danh là “thủ đô nhà kính của Hà Lan”, nơi các nhà kính phân bố rải rác lấp đầy khoảng trống giữa thành phố, vùng ngoại ô và các nhà máy công nghiệp. Bên trong nhà kính, hàng ngàn người nông dân có trình độ nông nghiệp công nghệ cao đang sử dụng hệ thống thủy canh và năng lượng địa nhiệt để trồng trọt nông sản với hiệu suất sản lượng tối đa.
Môi trường trong nhà kính được kiểm soát thuận lợi nhất có thể cho sự phát triển của cây trồng, với nhiệt độ và độ ẩm điều chỉnh phù hợp với từng loài cây, không sử dụng thuốc trừ sâu và không có ô nhiễm môi trường. Các cấu trúc kiến trúc nhà kính cũng được xem xét tối ưu hiệu quả sản xuất trồng trọt, với mái kính 2 lớp để giữ nhiệt, khung thép mô đun cho phép mở rộng diện tích nhà kính mà không cản trở ánh sáng tự nhiên. CO2 dư thừa từ các nhà máy lọc dầu địa phương sẽ được dẫn thẳng vào nhà kính để hỗ trợ sự phát triển của cây trồng trong khi hệ thống đèn LED cung cấp ánh sáng nhân tạo, cho phép cây phát triển ngay cả vào ban đêm. Tuy nhiên, để giảm thiểu ô nhiễm ánh sáng, luật pháp Hà Lan quy định 98% ánh sáng điện phải được che chắn để tránh thoát ra khỏi các nhà kính bằng cách sử dụng màn che, rèm che.
Đa số các nhà kính ở Hà Lan giữ mức nhiệt trong khoảng 20 độ C và độ ẩm không đổi khoảng 80%. Đèn LED chiếu sáng quanh năm giúp giảm thời gian phát triển của cây trồng so với thời tiết tự nhiên ngoài trời, qua đó giúp tăng gấp đôi năng suất sản lượng trong nhà kính khi so sánh với trang trại ngoài trời.
Bên trong nhà kính, nhiều ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cũng được sử dụng để hỗ trợ người nông dân chăm sóc cây trồng, bao gồm các robot và hệ thống cảm biến tự hành. Các robot nông nghiệp sẽ được lập trình hoạt động trên một lộ trình nhất định để cày bừa, chăm sóc đất, thu hoạch hoa màu... Hệ thống cảm biến sẽ hỗ trợ đo lường các tiêu chí trong nhà kính bao gồm độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng… và thông báo khi nào cần tưới nước cho cây trồng, khi nào cần cung cấp thêm nhiệt lượng. Người nông dân Hà Lan gần như không cần chạm tay vào đất, mà chỉ canh tác thông qua hệ thống điều khiển tự động và các nút bấm được lập trình sẵn.
Việc canh tác trong nhà kính cũng đảm bảo không có mầm bệnh côn trùng và thực vật, do đó việc sử dụng thuốc trừ sâu, trừ cỏ là không cần thiết. Nhờ vậy thúc đẩy tiêu chí nông nghiệp xanh và bền vững.
Nhờ mô hình nhà kính, mỗi 1 pound (khoảng 0,45kg) cà chua được sản xuất ra chỉ với khoảng 5 lít nước, tức tiết kiệm gần 25 lần so với mức bình quân toàn cầu. Sản lượng sản xuất ra cũng vượt trội hơn hẳn, lên tới khoảng 100 triệu quả cà chua mỗi năm trên diện tích 14ha đất. Ở điều kiện phát triển tối ưu, mỗi mẫu Anh rau diếp trong nhà kính Hà Lan sẽ cho ra sản lượng bằng 10 mẫu Anh rau trồng ngoài trời, đồng thời hạn chế sử dụng hóa chất lên tới 97%. Hay một minh chứng khác, so sánh với nước sản xuất khoai tây lớn nhất nhì thế giới là Ấn Độ, năng suất khoai tây ở Hà Lan cao hơn từ 15 đến 20 lần. Dù rằng diện tích canh tác khoai tây ở Ấn Độ lên tới 2 triệu ha, lớn gấp 12,5 lần Hà Lan.
Nhà kính cũng được nông dân Hà Lan sử dụng phổ biến trong việc chăn nuôi, ví như các trang trại nuôi bò sữa. Bò được nuôi trong những khu nhà kính lớn có phân chuồng, có giường massage riêng và bàn chải tắm riêng để đảm bảo vệ sinh cá nhân và sức khỏe. Hệ thống robot lắp đặt trong các khu chuồng nhà kính sẽ đảm bảo nhiệt độ tối ưu và môi trường hợp vệ sinh cho bò. Nếu các chỉ số vượt mức hợp vệ sinh, trạng thái xả nước vệ sinh chuồng sẽ được khởi động hoàn toàn không cần đến bàn tay con người. Khu chuồng cũng trang bị nhiều robot với công năng khác nhau như đẩy cỏ cho bò ăn hoặc vắt sữa bò. Robot vắt sữa thậm chí còn kiêm luôn các chức năng như kiểm tra thể năng bò, làm sạch trước khi vắt sữa và massage sau khi vắt sữa. Do không có sự can thiệp của con người, bò Hà Lan ít gặp phải tình trạng căng thẳng hơn.
Tại Hà Lan, một phần lớn diện tích đất sẽ bị ngập lụt khi mùa lũ về và gần như không thể sử dụng suốt nhiều tháng trong năm. Đó là lý do ngày càng nhiều khu nhà kính chăn nuôi bò được xây nổi trên mặt nước, dọc theo các con sông để tiết kiệm đất và chi phí. Việc chăn nuôi bò không cần trang trại ngoài trời không chỉ phù hợp với quốc gia có diện tích đất nông nghiệp hạn chế như Hà Lan, mà còn mang đến năng suất cao hơn hẳn.
Các dự án nông nghiệp công nghệ cao của Hà Lan cũng thu hút sự quan tâm của Trung Quốc. Chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình hiện đang muốn ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp nhà kính hiện đại của Hà Lan để cung cấp lương thực đủ cho dân số Trung Quốc ngày một tăng. Hiện Bắc Kinh đang khuyến khích sinh viên đến theo học tại Đại học Wageningen - một trong những trung tâm nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao quan trọng nhất của Hà Lan. Bằng cách này, chính phủ Trung Quốc hy vọng sẽ có thêm những kiến thức về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Một ước tính cho thấy đến năm 2050, dân số thế giới sẽ tăng từ mức gần 8 tỷ người hiện nay lên tới 10 tỷ người, tức là con người cần năng suất nông nghiệp lớn hơn để thoát nạn đói, đi đôi với sử dụng ít nước, ít đất, ít năng lượng hơn trên mỗi đơn vị sản xuất. Ngành nông nghiệp công nghệ cao bền vững ở Hà Lan đang trực tiếp giải quyết những vấn đề như vậy.