Bình Thuận: Chỉ có 10 dự án đủ điều kiện kinh doanh bất động sản
Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Bình Thuận khóa X
Theo ông Xà Dương Thắng, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận, trên địa bàn tỉnh hiện đang có 32 dự án kinh doanh bất động sản và 44 dự án du lịch nghỉ dưỡng có kết hợp kinh doanh bất động sản đã được chấp thuận đầu tư. Tuy nhiên, đáng chú ý, mới chỉ có 10 dự án đủ điều kiện kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật.
Các đại biểu tham dự cho rằng, hiện nay tỉnh đã xuất hiện tình trạng một số sự án đầu tư kinh doanh bất động sản (khu dân cư, dự án du lịch nghỉ dưỡng,…) chưa thực hiện xong các thủ tục theo quy định như giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa; chưa được giao đất; một số dự án chưa được cấp phép xây dựng công trình; hạ tầng kỹ thuật của dự án chưa hoàn thiện... nhưng chủ đầu tư đã rao bán rộng rãi trên nhiều phương tiện.
Đặc biệt, chủ đầu tư không trực tiếp “nhúng” tay vào các giao dịch mà do một đơn vị khác giao dịch ở Hà Nội hay TP. HCM. Chính vì thế, sự việc rất khó xử lý bởi những hành động này không thuộc phạm vi xử lý của Sở Xây dựng.
Một số địa phương còn có dấu hiệu buông lỏng quản lý. Cụ thể, UBND thành phố Phan Thiết cho phép một số đại gia bất động sản chuyển hàng loạt diện tích đất nông nghiệp thành đất thổ cư để phân lô bán nền, trái với quy định, phá vỡ quy hoạch xây dựng của thành phố.
Tuy nhiên, ngay sau khi có kết luận của Thanh tra tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo làm rõ, sâu hơn về sai phạm của từng tổ chức, từng cá nhân cụ thể để tiếp tục xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu phải công khai cho dân biết dự án nào đủ điều kiện kinh doanh, trường hợp nào chưa đủ; tăng cường kiểm soát, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra dự án.
Xử lý đúng quy định của pháp luật đối với các hoạt động kinh doanh bất động sản trái phép trên địa bàn tỉnh. Trường hợp nếu như cố tình vi phạm, xét có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển cơ quan chức năng điều tra, xử lý.
Ông Hùng cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tuyên truyền, vận động người dân bằng nhiều hình thức để người dân hiểu rõ các quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản; không tham gia mua bán, chuyển nhượng đối với các bất động sản chưa đủ điều kiện kinh doanh.
Người dân cũng cần liên hệ với các cơ quan chức năng để tìm hiểu thông tin quy hoạch, tính pháp lý các dự án và được hướng dẫn các thủ tục theo quy định để hạn chế rủi ro.
Bên cạnh đó, vấn đề chậm triển khai dự án cũng được đề cập. Theo ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện có 1.518 dự án được chấp thuận đầu tư, còn hiệu lực (chiếm diện tích 59.165 ha, tổng nguồn vốn 302.000 tỉ đồng), trong đó đã hoạt động là 1.036; có tác động triển khai là 230; vừa được cấp mới là 113 và thuộc diện chậm triển khai là 139 (chiếm 9%).
Nguyên nhân được xác định là do thiếu cơ sở hạ tầng, điện nước; vướng đền bù giải tỏa, sau đó là chủ đầu tư thiếu nguồn tài chính, thiếu thiện chí đầu tư, kéo dài để sang nhượng kiếm lời.
Từ đầu năm 2019, tỉnh cũng đã thu hồi 3 dự án. Đồng thời với đó cũng đã có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư để triển khai dự án đúng tiến độ.
UBND xã Thắng Hải đã cho cắm bảng cảnh báo kề khu đất dự án “ma” của Tập đoàn Alibaba
Trước đó, hồi cuối tháng 6, dự án “Alibaba Thắng Hải Newtimes City” của Tập đoàn địa ốc Alibaba tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận được rao bán rầm rộ trên mạng. Dự án này được coi là “một đất nước Singapore thu nhỏ”, tổng diện tích 35 ha, quy mô hơn 1.800 nền thổ cư, có giá bán khoảng 1,9 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, lãnh đạo xã Thắng Hải đã khẳng định trên địa bàn không có dự án nào mang tên Alibaba.
Sáng 27/6, UBND xã Thắng Hải đã cho cắm bảng cảnh báo kề khu đất dự án “ma” của Tập đoàn Alibaba với nội dung: “Khu vực này hiện nay không có bất kỳ dự án phân lô bán nền nào được cấp phép thực hiện. Mọi thông tin đề nghị liên hệ UBND xã Thắng Hải theo số điện thoại 0252 3875612”.