Bộ trưởng KH&ĐT đề xuất "độc" huy động vốn làm đường sắt đô thị Hà Nội

20/07/2023 13:02 GMT+7
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề xuất cho phép phát hành trái phiếu quốc tế, hoặc vay ODA để đầu tư đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội.

Vay trái phiếu nước ngoài làm đường sắt đô thị Hà Nội

Theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, việc này cũng nhằm khai thác tối đa không gian ngầm, mở rộng không gian phát triển, giải quyết các vấn đề của đô thị nén như ách tắc giao thông, ngập úng, ô nhiễm môi trường…

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng Sông Hồng lần thứ nhất ngày 20/7, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, cách đây 2 ngày, Thủ tướng Chính phủ với tư cách là Chủ tịch Hội đồng vùng đã chủ trì Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ tại TP. Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng KH&ĐT đề xuất "độc" huy động vốn làm đường sắt đô thị Hà Nội - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

"Hôm nay, chúng ta vừa nghe công bố Quyết định số 826/QĐ-TTg ngày 11/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng Sông Hồng, gồm các Bộ trưởng, Lãnh đạo các Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong vùng và đặc biệt trực tiếp Thủ tướng Chính phủ tiếp tục là Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đồng bằng Sông Hồng", Bộ trưởng Dũng cho biết.

Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của người đứng đầu Chính phủ đối với vùng Đồng bằng Sông Hồng, một trong 2 vùng động lực phát triển hàng đầu và là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Theo Bộ KH&ĐT, mặc dù đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước nhưng phát triển vùng Đồng bằng Sông Hồng đã và đang đối mặt với nhiều thách thức và còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém như: Các địa phương phát triển không đồng đều, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động; cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững; một số địa phương phụ thuộc quá nhiều vào một vài dự án đầu tư nước ngoài FDI quy mô lớn; Các khu công nghiệp thiếu liên kết, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành; Hệ thống đô thị phát triển chưa hợp lý, thiếu bền vững còn nhiều bất cập, đặc biệt là hệ thống kết nối giao thông …

Chính vì vậy, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ cần "xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng" nhằm đổi mới cách thức hoạt động, điều phối và phương thức liên kết giữa các địa phương trong vùng để phát huy hiệu quả cao nhất những tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong Vùng.

Quyết định 826 về thành lập Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng Sông Hồng đã đề ra 11 nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng điều phối vùng, trong đó nhấn mạnh việc điều phối phải bảo đảm nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, công khai, minh bạch, phù hợp với quy định của pháp luật.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 về phê quyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng đồng bằng Sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, đây là cơ hội để chúng ta cùng nhau thảo luận, bàn bạc và xây dựng Quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững với trọng tâm là đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp hiệu quả cao, hữu cơ tuần hoàn trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ; chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Vùng Đồng bằng Sông Hồng được định hướng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, trong đó, Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Để đạt được các mục tiêu chung cho vùng theo định hướng quy hoạch, từng bước hình thành một thể chế liên kết vùng mạnh, hiệu quả, thực hiện nhiệm vụ Thường trực của Hội đồng vùng, Bộ KH&ĐT đề nghị các thành viên Hội đồng thảo luận và cho ý kiến về một số định hướng quy hoạch phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, nghiên cứu các cơ chế, chính sách huy động hiệu quả nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng, nhất là hạ tầng giao thông, phân cấp cho các địa phương chủ động thực hiện các dự án liên vùng kết nối.

Nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng để đầu tư xây dựng các dự án liên vùng; nghiên cứu đề xuất cho phép phát hành trái phiếu quốc tế hoặc vay ODA để đầu tư đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị của TP Hà Nội hoặc cho phép áp dụng các mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) cho các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao liên vùng và các trục giao thông chính của vùng gắn với hành lang kinh tế, nhằm khai thác tối đa không gian ngầm, mở rộng không gian phát triển, giải quyết các vấn đề của đô thị nén như ách tắc giao thông, ngập úng, ô nhiễm môi trường…

Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cho rằng cần tập trung giải quyết căn bản các vấn đề môi trường nhất là rác thải, khi thải, ô nhiễm tại các dòng sông, tình trạng ngập úng ở TP Hà Nội, TP Hải Phòng và các đô thị lớn. Quy hoạch và có cơ chế, chính sách để di chuyển, xây dựng mới các bệnh viện, trường đại học tại các địa phương lân cận để giảm tải áp lực đối với hạ tầng xã hội, ùn tắc giao thông tại Hà Nội.

Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cũng đề nghị tập trung phát triển vùng Đồng bằng Sông Hồng trở thành trung tâm khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hàng đầu của cả nước; Đề xuất các cơ chế đặc thù cho vùng đồng bằng Sông Hồng...

"Chúng ta cần tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về yêu cầu cấp bách trong đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng. Các địa phương trong vùng cần xác định cơ chế liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo, xuyên suốt trong quá trình xây dựng phát triển", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

An Linh
Cùng chuyên mục