Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định gà nhập khẩu không ảnh hưởng đến chăn nuôi trong nước
Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan Bắc Ninh đánh giá, giá gà giảm trong thời gian qua là dấu hiệu ảnh hưởng nhập khẩu thịt gà từ Mỹ và các quốc gia khác.
Trả lời về vấn đề trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong thời gian qua, thịt gà từ Mỹ và một số nước khác nhập khẩu vào Việt Nam nhưng số lượng tăng không đáng kể, chủ yếu tăng từ đầu năm cho đến tháng 4 (do sản lượng thịt gà sản xuất trong nước sụt giảm).
Theo đánh giá của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, do dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, các hộ nuôi chuyển đổi, tái cơ cấu, tăng đàn gà quá nhanh dẫn đến giá gà trong nước giảm, không phải do nhập khẩu tăng.
"Trong thời gian qua, gà nhập khẩu vào Việt Nam không phải từ những FTA mà từ Mỹ và một số nước khác nhưng số lượng tăng cũng không phải là đáng kể. Chủ yếu tăng từ đầu năm cho đến tháng 4, từ tháng 4 đến tháng 6, vào thời điểm mà nói giá bị suy giảm thì lượng gà nhập khẩu không tăng." Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lý giải.
"Nhưng trên thực tế, sau khi đánh giá lại và làm việc với các cơ quan chức năng còn có một số vấn đề cần rút kinh nghiệm trong điều hành kinh tế thị trường. Đó là câu chuyện khi dịch tả lợn châu Phi tác động gây ra mất đàn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung người dân. Chủ trương phát triển chăn nuôi gà được đặt ra để bù vào thực phẩm nhằm cân đối, đảm bảo đời sống của nhân dân.
Tuy nhiên, việc phát triển quá nhanh, quá "nóng", đặc biệt, tại khu vực Đông Nam Bộ đã gây ra tình trạng giá gà ở khu vực đó bị tụt giá so với mặt bằng chung. Hiện nay, cơ bản giá gà đã trở lại bình thường và không có những tác động lớn." Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin thêm.
Trước đó, theo số liệu công bố của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2019, cả nước nhập khẩu 215,7 nghìn tấn thịt gà các loại với kim ngạch đạt hơn 186 triệu USD, tăng 49% về lượng và 46% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho biết thêm, gà nhập khẩu tập trung vào hai loại là thịt gà đông lạnh nguyên con và thịt gà đông lạnh đã chặt, chiếm 98% tổng kim ngạch nhập khẩu thịt gà; trong đó, đùi gà chiếm tỷ trọng nhập khẩu lớn nhất (71,5%); tiếp theo là chân gà (8,7%), gà nguyên con (8,2%), cánh gà (5,8%), các bộ phận khác (5,8%).
Trước thông tin gà giá rẻ nhập khẩu với số lượng lớn, nhiều ý kiến lo ngại giá và ngành chăn nuôi trong nước bị ảnh hưởng. Theo Cục Xuất nhập khẩu, thời điểm ngày 22/10, giá thịt gà công nghiệp (lông trắng, lông màu) tại các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ ở mức 25.000-25.500 đồng/kg, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trước tháng 8/2019, giá gà thịt trong nước tương đối ổn định và chỉ giảm cục bộ tại một khu vực, với một số chủng loại tại một số thời điểm nhất định.
Ngoài ra, Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cũng đánh giá, nguyên nhân giá gà giảm là do khi dịch tả lợn châu Phi lan rộng, nhiều hộ chăn nuôi lợn ở khu vực Đông Nam Bộ đã chuyển sang chăn nuôi gà công nghiệp ồ ạt, làm tăng đàn tự phát, thiếu kiểm soát.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã có khuyến cáo các hộ, cơ sở chăn nuôi cân nhắc việc tăng đàn, tránh tự phát, ồ ạt. Các địa phương phải có trách nhiệm hướng dẫn, tuyên truyền đến các hộ, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn nhằm kiểm soát tình hình chăn nuôi, tránh dẫn đến nguồn cung quá lớn, làm giảm giá bán.