Bùng nổ trồng mít Thái – tránh đi lại vết xe đổ do tự phát
Quẩn quanh điệp khúc "chặt – trồng"
Quay lại thời điểm đầu năm, lúc mít Thái sốt giá thì diện tích trồng liên tục tăng nhanh với mật độ cây dày đặc. Các thống kê cho thấy diện tích trồng mít Thái ở ĐBSCL tính đến tháng 3/2019 đã hơn 60.000ha, tăng gấp đôi so với năm ngoái và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Với đặc thù cây trồng, mật độ cây cách cây khoảng 3 - 3,5m. Như vậy, 1ha có thể trồng hơn 1.000 cây, chỉ cần mỗi cây cho 10 trái/năm thì mỗi năm thu được khoảng 50kg/cây trở lên; bình quân 1ha cho trái khoảng 50 tấn.
Diện tích trồng mít Thái liên tục tăng nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại
Đến nay, tính sơ bộ tại Vĩnh Long, nông dân huyện Bình Tân đã lại trồng mới cây mít thái hơn 60ha; huyện Trà Ôn gần 40ha; thị xã Bình Minh hơn 30ha… Ngoài chuyển đổi trên diện tích vườn kém hiệu quả, nhiều hộ còn thuê đất ruộng để trồng mít.
Với giá bán khoảng 60.000 đồng/kg, mỗi hecta mít một năm thu hơn 1 tỉ đồng, lợi nhuận gấp hơn 30 lần trồng lúa. Bởi vậy với người nông dân quanh năm lam lũ với cây lúa thì còn lí do gì để không bỏ lúa trồng mít?
Tuy nhiên trên thực tế không phải lúc nào mít cũng bán được giá cao ngất như vậy. Giá mít cũng từng "nhảy múa", có lúc chỉ còn 5.000 - 7.000 đồng/kg khi thương lái không mua, khiến người trồng nản lòng chặt bỏ. Rồi gần đây, giá mít tăng cao khiến nhu cầu trồng bật tăng trở lại. Điệp khúc chặt – trồng cứ thế lặp lại, không theo sự quản lí, không theo tín hiệu thị trường.
Hạn chế tự phát, chú trọng chất lượng
Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, việc phát triển diện tích mít Thái hiện nay trên cả nước vẫn trong tầm kiểm soát và chưa đến nỗi sẽ dội chợ trong thời gian tới: “Việc phát triển cây mít không hoàn toàn là do bà con nông dân trồng tự phát, chạy theo phong trào. Tất cả việc phát triển này đều có sự tính toán”.
Tuy nhiên với diện tích trồng hiện nay đã lên tới gần 30 nghìn ha vởi sản lượng hàng trăm nghìn tấn, việc tìm đầu ra ổn định và chắc chắn vẫn là một bài toán an giải. Ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở NNPTNT Tiền Giang cho rằng ngành nông nghiệp vẫn cần phải khuyến cáo nông dân không được mở rộng diện tích cây ăn trái để tập trung đầu tư hạ tầng và kỹ thuật, gắn kết với thị trường tiêu thụ; điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh cũng như lập đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong tỉnh.
Mít không phải là một loại cây trồng mới và không có đầu ra. Cho đến nay, trong số 8 loại trái cây Việt được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, mít đứng đầu bảng vì được cấp phép sớm nhất (từ năm 2009). Tuy nhiên Trung Quốc không còn là một thị trường dễ tính khi họ yêu cầu xuất khẩu hoa quả bằng đường chính ngạch, đồng nghĩa với việc ưu tiên nguồn gốc và chất lượng sản phẩm cao hơn. Về những điều này mít Việt chưa thể đáp ứng vì dù diện tích trồng mít đang gia tăng nhưng cho đến nay chưa có một nghiên cứu toàn diện nào về quy trình nhân giống, canh tác, bảo vệ thực vật cho giống mít này. Đây chính là lỗ hổng mà công tác khuyến nông cần sớm lấp đầy.
Thị trường tiêu thụ mít Thái không phải không có, nhưng cần đáp ứng đủ các yêu cầu của bạn hàng
Phát triển nóng, không có những kế hoạch dài hạn sẽ rất dễ thất bại. Bởi vậy, người nông dân phải là người chiếm lĩnh thị trường chứ không phải bị thị trường điều khiển. Muốn làm được điều đó, cần có biện pháp quy hoạch đồng bộ và lâu dài của các doanh nghiệp, các tổ chức nhà nước. Nghiên cứu cây giống năng suất, cách trồng để đạt sản lượng và chất lượng, công nghệ chế biến sau thu hoạch, tìm thị trường xuất khẩu... Việc này cần với các loại nông hải sản Việt, không chỉ đối với cây mít. Nhất là hiện nay thị trường quốc tế rất coi trọng việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa thì việc quản lí đồng bộ là việc vô cùng cần thiết và cấp bách. Nó sẽ không chỉ giúp quản lí tốt số lượng, chất lượng sản phẩm mà còn dễ dàng cho việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường nước ngoài.