“Cấm triệt để túi nilon, thị trường sẽ tự tìm sản phẩm thay thế”

12/04/2019 10:05 GMT+7
TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, giải pháp tăng thuế bảo vệ môi trường với túi nilon không giải quyết được vấn đề vì ngân sách không tăng thu từ khoản thuế này không đáng kể, không đủ để bù đắp các tác hại của túi nilon với môi trường. Thay vào đó, nên cấm sử dụng triệt để túi nilon, khi đó, thị trường sẽ tự khắc tìm sản phẩm thay thế.

TS. Vũ Đình Ánh

Còn nhớ, tại phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT). Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019.

Theo đó, từ ngày 1.1.2019, mức thuế BVMT đối với mặt hàng túi nilon là 50.000 đồng/kg, tăng so với mức thuế hiện hành là 10.000 đồng/kg. Việc điều chỉnh tăng mức thuế BVMT đối với túi nilon thuộc diện chịu thuế BVMT là để góp phần hạn chế việc sản xuất, sử dụng túi nilon khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường.

Theo số liệu thống kê, kim ngạch nhập khẩu túi nilon thuộc diện chịu thuế BVMT trong những năm qua lên tới hàng chục triệu USD. Cụ thể, năm 2016, kim ngạch nhập khẩu túi nilon là 65,63 triệu USD, số thuế BVMT phải thu là 20,1 tỷ đồng. Năm 2017, kim ngạch nhập khẩu túi nilon là 64,61 triệu USD, số thuế BVMT phải thu là 22,7 tỷ đồng. Còn sau 8 tháng đầu năm 2018, kim ngạch nhập khẩu túi nilon là 45,68 triệu USD, số thuế BVMT phải thu là 19,1 tỷ đồng.

Còn trên thực tế, số thu thuế BVMT đối với túi nilon sản xuất trong nước năm 2016 khoảng 56 tỷ đồng, năm 2017 là khoảng 54 tỷ đồng.

Gần đây, khi một số doanh nghiệp như Hệ thống chuỗi các siêu thị Co.op mart Việt Nam, Siêu thị Big C Đà Nẵng, Siêu thị Big C Hà Nội, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op)... triển khai sử dụng sản phẩm tự nhiên để gói, bọc thực phẩm thay thế túi nilon, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thư biểu dương các siêu thị triển khai sử dụng sản phẩm tự nhiên để gói, bọc thực phẩm thay thế túi nilon.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các siêu thị, nhà hàng, khách sạn chung tay cùng Chính phủ và toàn xã hội nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, rác thải nhựa bằng những hành động thiết thực, hiệu quả.

Trao đổi với PV, TS. Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế, cho rằng, bản chất của vấn đề hạn chế sử dụng túi nilon không phụ thuộc vào chính sách thuế. Câu chuyện nằm ở việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm mục đích thay thế túi nilon.

Vũ Đình Ánh phân tích: “Phải khuyến khích sản xuất các sản phẩm thay thế như sản xuất lá chuối chẳng hạn, cũng là sản phẩm thay thế. Phải khuyến khích nó. Việc tăng thuế bảo vệ môi trường dẫn đến tăng giá túi nilon không giải quyết được vấn đề vì điều này không hạn chế được người sản xuất túi nilon. Hơn nữa, tăng thuế bao nhiêu cho đủ? Tăng lên 5.000 – 10.000 đồng sẽ không giải quyết được vấn đề. Nếu tăng thuế, phí để một cái túi nilon có giá là 100.000 đồng thì không hợp lý”.

Từ đây, ông Ánh đưa ra đề xuất: “Nên cấm sử dụng triệt để túi nilon. Khi đó, thị trường sẽ tự khắc tìm sản phẩm thay thế”.

Điều này, theo ông Vũ Đình Ánh, sẽ kích thích sản xuất và sử dụng sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường hơn. Ngược lại, nếu túi nilong vẫn tồn tại, cả hai đối tượng sản xuất và tiêu dùng đều không có động cơ tìm kiếm sản phẩm thay thế. Ngoài ra, theo tính toán, nguồn thu từ tăng thuế bảo vệ bảo vệ môi trường với túi nilon không đủ để bù đắp những tác hại của túi nilon mang lại với môi trường.

“Thiệt hại là vô giá, không có khoản thu nào để có thể khắc phục được thiệt hại đó”, ông Ánh kết luận.

Đề xuất giải pháp hạn chế sử dụng túi nilon, PGS. TS. Nguyễn Xuân Trường (Học viện Tài chính) cho biết, giải pháp đầu tiên là nâng khung thuế bảo vệ môi trường với túi nilon không thân thiện với môi trường. Hiện tại, mức thuế bảo vệ môi trường với túi nilon đã tăng kịch khung nhưng giá thành túi nilon vẫn chưa tăng đáng kể.

Tiếp đó, quản lý để làm sao các cơ sở sản xuất túi nilon thực hiện đúng. “Một cân túi có giá mấy chục nghìn đồng trong khi thuế rất cao. Hàng hoá bán ra không có hóa đơn, chứng từ, trôi nổi rất nhiều. Từ đây, ngân sách không thu được tiền trong khi cũng không thể hạn chế sử dụng túi nilon”, TS. Lê Xuân Trường nói.

Cuối cùng, phải có sự kết hợp giữa cơ quan thuế và quản lý thị trường. Đồng thời, thực hiện tuyên truyền để người dân hiểu và hạn chế sử dụng túi nilon.

 

 

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục