Căng thẳng Mỹ Trung hạ nhiệt, hoạt động sản xuất tháng 11 của Trung Quốc phục hồi
Chỉ số quản lý thu mua PMI - một trong những chỉ số đo lường hoạt động sản xuất của doanh nghiệp Trung Quốc trong tháng 11 đã tăng bật trở lại mức 50,2 - tức vượt qua mức trung lập 50, thể hiện sự mở rộng trong lĩnh vực sản xuất. Mức PMI vượt qua cả dự đoán của các nhà phân tích Reuters là 49,5 và tăng vượt trội so với chỉ số 49,3 hồi tháng 10. Đây được xem là mức PMI lạc quan nhất kể từ hồi tháng 3/2019 đến nay, trước khi thương chiến Mỹ Trung leo thang và các mức thuế từ Nhà Trắng tàn phá nền kinh tế Trung Quốc.
Thước đo hoạt động sản xuất của các nhà máy đã đem đến một tâm lý lạc quan trên thị trường, đồng thời phản ánh sự cải thiện, phục hồi đáng kể trong lĩnh vực sản xuất của thị trường tỷ dân. Đây là một tín hiệu tích cực với nền kinh tế Trung Quốc vốn đang lao đao khi tăng trưởng GDP quý III hạ xuống mức 6% thấp nhất trong gần 3 thập kỷ.
Cũng theo Cục thống kê Quốc gia NBS, sản lượng nhà máy cũng tăng lên 52,6 trong tháng 11, tốc độ tăng mạnh nhất kể từ 7 tháng nay. Điều này phản ánh xu hướng hồi phục của nhu cầu tiêu dùng trong nước trong thời điểm cuối năm, khi Tết Nguyên đán cận kề.
Theo các chuyên gia kinh tế, sự phục hồi là kết quả của những chính sách kích tế của Bắc Kinh nhằm đáp ứng các mục tiêu kinh tế đã đề ra trong chiến lược quốc gia hồi đầu năm nay. Bắc Kinh đã lên kế hoạch bơm vào thị trường trái phiếu chính phủ khoảng 1 nghìn tỷ NDT (tương đương 142 tỷ USD) trong năm 2020 trong nỗ lực thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, một trong những tín hiệu mà các nhà phân tích cho rằng Chính phủ đang lo lắng về áp lực tăng trưởng kinh tế.
“Trong ngắn hạn, có vẻ như nền kinh tế đã vượt qua mức đáy giảm tốc” - trích lời Zhang Deli, nhà phân tích vĩ mô từ Lianxun Securities. Ông Zhang chỉ ra rằng mức chỉ số quản lý thu mua sản xuất PMI tháng 11 vượt xa dự kiến là do chính phủ đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng cùng sự giảm nhiệt căng thẳng Mỹ Trung sau khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đồng ý thông qua thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Tuy nhiên, lợi nhuận sản xuất và kim ngạch xuất khẩu tháng 11 vẫn trong trạng thái trì trệ khi áp lực thuế quan từ Washington không giảm đi. Các đơn hàng xuất khẩu mới của Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng 11, kéo dài chuỗi giảm 18 tháng liên tiếp. Trong khi Bắc Kinh nỗ lực thúc đẩy Mỹ dỡ bỏ thêm thuế quan như một phần nội dung thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng phủ nhận khả năng này. Theo các chuyên gia, Mỹ đang muốn duy trì một đòn bẩy có sức nặng trên bàn đàm phán thương mại, và đó không gì khác ngoài trừng phạt thuế quan.
Bất chấp những tín hiệu lạc quan trong lĩnh vực sản xuất, các nhà phân tích thị trường vẫn không bớt quan ngại về sự không chắc chắn xoay quanh thỏa thuận Mỹ Trung và nguy cơ thương chiến leo thang trở lại, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký vào đạo luật Dân chủ và Nhân quyền cho Hồng Kông, điều mà Bắc Kinh chỉ trích là một sự can thiệp thô bạo vào nội bộ chính trị quốc gia. Cũng trong tháng 12 này, mức thuế 15% của Mỹ với 156 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại dự kiến sẽ có hiệu lực.