Cao tốc Bắc - Nam chưa duyệt kế hoạch đấu thầu, gặp khó chỉ định thầu
Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 chưa được duyệt kế hoạch đấu thầu
Nhìn nhận thẳng thắn về tiến độ các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 vẫn còn chậm, Thứ trưởng Thọ bày tỏ sự lo lắng đến dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 khi thời gian phải khởi công theo kế hoạch (trước 31/12/2022) không còn nhiều. Tuy nhiên, hiện kế hoạch đấu thầu, phần chia gói thầu vẫn chưa được phê duyệt để tạo cơ sở cho công tác chỉ định thầu.
"Kế hoạch đấu thầu phải nêu rõ dự kiến phân chia ra bao nhiêu gói thầu mới có thể tập trung duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán", Thứ trưởng Thọ nói.
Theo đó, Thứ trưởng Thọ kiến nghị Bộ trưởng Bộ GTVT sớm có báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương để công tác chuẩn bị đầu tư dự án bắt kịp với tiến độ yêu cầu, đảm bảo cuối năm 2022, ở 12 địa phương dự án đi qua sẽ có ít nhất 1 gói thầu được khởi công.
Trước những kiến nghị của Thứ trưởng Thọ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhất trí và đánh giá, công tác giải ngân thời gian qua dù tương đối tốt, song con số hơn 20.000 tỷ đồng còn lại phải giải ngân không phải đơn giản khi thời gian chỉ còn hơn hai tháng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các đơn vị phải quyết liệt hơn nữa và yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA giải ngân phải có khối lượng, không chỉ là tạm ứng; Phải điều chuyển vốn những dự án có kết quả giải ngân chậm sang dự án giải ngân nhanh, xử lý các tồn đọng trong công tác quyết toán các dự án để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn.
4 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 về đích cuối năm 2022
Đối với các dự án đang triển khai, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị đặc biệt tập trung thi công 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 có kế hoạch về đích năm 2022.
Trong đó, dự án đoạn Cam Lộ - La Sơn phải thông xe, đưa vào khai thác. Ba dự án thành phần còn lại phải thông xe kỹ thuật (thảm nhựa và lắp đặt dải phân cách).
"Dù là thông xe kỹ thuật cũng phải nghiêm túc thực hiện cẩn trọng, không lơ là công đoạn nào", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo.
Đối với các dự án trọng điểm khác, Tư lệnh ngành GTVT yêu cầu Cục Quản lý đầu tư xây dựng chỉ đạo các chủ đầu tư, ban QLDA tập trung với trách nhiệm cao nhất, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thủ tục, kịp thời báo cáo vướng mắc, làm rõ xin chủ trương thực hiện.
Đồng thời, phải đảm bảo khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 trước ngày 31/12/2022 theo đúng yêu cầu.
Với dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, phải hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi trước ngày 30/11/2022; Dự án thành phần 2 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột phải trình trước ngày 20/1/2023.
Thủ tục và điều kiện cần thiết để khởi công nhà ga hành khách, đường cất/ hạ cánh, đường lăn, sân đỗ của cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga hành khách T3 cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong năm 2022 cũng phải được sớm hoàn thành.
Ông Lưu Quang Thìn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Vụ KH-ĐT, Bộ GTVT) cho biết, trong 10 tháng năm 2022, lũy kế giải ngân cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 đạt gần 11.575 tỷ đồng/15.484,7 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch năm và vượt 7,6% so với kế hoạch (gần 10.753 tỷ đồng).
Bên cạnh những con số nêu trên, những tháng cuối năm 2022, ngành GTVT vẫn còn khối lượng công việc rất lớn, và cần phải giải ngân tại dự án là gần 3.910 tỷ đồng.
"Việc giải ngân cần tập trung đẩy nhanh ở một số dự án thành phần gồm: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Cam Lộ - La Sơn,…", ông Thìn thông tin.
Đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, lũy kế giải ngân đến nay đạt hơn 2.087 tỷ đồng/gần 8.592 tỷ đồng, đạt 24% kế hoạch năm, vượt 56% so với kế hoạch yêu cầu (hơn 1.792 tỷ đồng).
"Tính đến nay, lũy kế giải ngân cho hai giai đoạn dự án cao tốc Bắc - Nam đã đạt hơn 13.600 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra", ông Thìn khẳng định.
Về các dự án còn lại, ông Thìn chia sẻ, từ nay đến cuối năm 2022, dự án còn phải giải ngân hơn 6.504 tỷ đồng.