Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đạt doanh thu trên 606 tỷ đồng năm 2021

14/03/2022 07:17 GMT+7
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ có doanh số thu phí năm 2021 với các trạm thu phí trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đạt trên 606 tỷ đồng.

Theo đó, tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có doanh thu vé lượt ở mức cao nhất với gần 546 tỷ đồng, vé tháng đạt hơn 43 tỷ đồng và vé quý đạt trên 16 tỷ đồng.

Về lưu lượng xe trên tuyến, đơn vị này cũng cho hay, trong năm 2021, lưu lượng xe trên tuyến đạt hơn 17 triệu lượt xe. Lưu lượng xe ở các làn thu phí thủ công (MTC) vẫn chiếm áp đảo với hơn 11 triệu lượt xe.

Bên cạnh đó, lưu lượng xe ở các làn thu phí không dừng (ETC) đạt trên 6 triệu lượt xe. Đây cũng chính là tuyến dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ nằm ở tuyến cửa ngõ Thủ đô Hà Nội là một trong những tuyến có lưu lượng xe lớn nhất cả nước hiện nay.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là tuyến huyết mạch cửa ngõ phía Nam TP.Hà Nội được đầu tư theo hình thức BOT với tuyến đường dài 29 km với 6 làn, có tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng.

Dự án Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ được đầu tư theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 nâng cấp mặt đường hiện hữu 4 làn xe (TMĐT: 1.973 tỷ đồng, hoàn thành năm 2015); Giai đoạn 2 đầu tư mở rộng lên quy mô 6 làn xe (TMĐT: 4.757 tỷ đồng, hoàn thành năm 2018).

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đạt doanh thu trên 606 tỷ đồng/năm 2021 - Ảnh 1.

Trạm thu phí trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: N.C

Ngay trong dịp cao điểm Tết vừa qua, lãnh đạo Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, lưu lượng xe trong những ngày này thường đạt khoảng 150.000 xe/ngày đêm, gấp 3 lần so với ngày bình thường.

Đối với 54 dự án BOT trên các tuyến quốc lộ trên cả nước do ngành giao thông quản lý có doanh thu thu phí năm 2021 là 11.200 tỷ đồng, giảm hơn 1.400 tỷ đồng so với năm 2020.

Nhiều dự án BOT bị giảm mạnh doanh thu, chỉ đạt 60-70% so với năm 2020 như dự án đầu tư mở rộng QL1 phía Bắc thành phố Bạc Liêu; tuyến QL1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp; dự án mở rộng QL1 và tuyến tránh thành phố Sóc Trăng; tuyến tránh TP. Phủ Lý; dự án cầu Việt Trì - Ba Vì; đường Hồ Chí Minh đoạn Km 1738+148 - Km 1763+610 qua tỉnh Đắk Lắk; cầu Mỹ Lợi; cầu Rạch Miễu.

Các tuyến đường có lưu lượng lớn cũng bị giảm doanh thu như cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ đạt 84%, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đạt 89% so với năm trước đó.

Trước đó, Bộ GTVT vừa yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố; Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Cục Đăng kiểm Việt Nam; Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam; các nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư BOT triển khai nhanh dán thẻ định danh dịch vụ thu phí điện tử không dừng (ETC).

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ rà soát, dán thẻ định danh toàn bộ các phương tiện ôtô thuộc phạm vi quản lý; vận động cán bộ công chức, viên chức, người lao động gương mẫu dán thẻ định danh đối với các phương tiện cá nhân để tham gia dịch vụ thu phí ETC, bảo đảm không sử dụng hình thức thu phí thủ công kể từ ngày 1/6/2022.

Đồng thời, triển khai thí điểm chỉ thu phí ETC tại tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; phối hợp với Cục CSGT phân luồng giao thông, xử lý các phương tiện đi sai làn thu phí ETC để khuyến khích các phương tiện dán thẻ đồng thời đôn đốc các địa phương, nhà cung cấp dịch vụ đẩy nhanh tiến độ dán thẻ bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thế Anh
Cùng chuyên mục