Chân dung tân Tổng Giám đốc WTO
Bà Okonjo-Iweala đã được chọn làm tân tổng giám đốc WTO với sự đồng thuận tại một cuộc họp kín ở Geneva- Thụy Sĩ hôm 15/2 sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đảo ngược quyết định của cựu Tổng thống Donald Trump nhằm ngăn chặn việc bổ nhiệm bà để ủng hộ ứng viên người Hàn Quốc.
Theo Hãng thông tấn AFP, nhiệm kỳ của cựu bộ trưởng tài chính Nigeria, bà Ngozi Okonjo-Iweala, sẽ bắt đầu từ ngày 1/3 tới đến hết ngày 31/8/2025.
Phiên bỏ phiếu lựa chọn bà Okonjo-Iweala được tiến hành theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của phần lớn các nước thành viên WTO, bao gồm Mỹ và Trung Quốc.
"Bà ấy không được chọn vì bà ấy là nữ hay vì bà ấy đến từ châu Phi, mà bởi vì bà ấy nổi bật với tư cách là ứng viên có trình độ, kinh nghiệm và phẩm chất tốt nhất cho nhiệm vụ khó khăn hiện nay", một nhà ngoại giao phương Tây nói với AFP.
Bà Okonjo-Iweala (67 tuổi) sinh ra tại bang Delta ở miền tây Nigeria. Bà đến Mỹ vào năm 1973 và tốt nghiệp cử nhân kinh tế tại Đại học Harvard năm 1976. Năm 1981, bà nhận bằng tiến sĩ về kinh tế khu vực và phát triển tại Viện Công nghệ Massachusetts.
Theo AP, bà Okonjo-Iweala có 25 năm kinh nghiệm làm việc cho Ngân hàng Thế giới (WB) và là người chủ trương tăng trưởng kinh tế và phát triển cho các nước nghèo. Những nỗ lực đã giúp bà Okonjo-Iweala leo lên chức Giám đốc điều hành, vị trí quyền lực số 2 tại WB, phụ trách các khu vực châu Phi, châu Âu, Nam và Trung Á.
Phát biểu đầu tiên sau khi được bổ nhiệm, bà Okonjo-Iweala cho hay ưu tiên hàng đầu của bà là đảm bảo WTO làm được nhiều hơn trong việc giải quyết đại dịch Covid-19, đồng thời kêu gọi các thành viên nên đẩy nhanh nỗ lực dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu làm chậm thương mại thuốc và vật tư cần thiết.
Tân tổng giám đốc WTO cảnh báo "chủ nghĩa dân tộc vắc-xin" sẽ làm chậm tiến độ chấm dứt đại dịch Covid-19 và có thể làm xói mòn sự tăng trưởng kinh tế của tất cả các nước giàu lẫn nghèo.
Bà Okonjo-Iweala cho biết các nghiên cứu cho thấy nền kinh tế toàn cầu sẽ mất 9 ngàn tỉ USD sản lượng tiềm năng nếu các nước nghèo không thể triển khai hoạt động tiêm chủng nhanh chóng cho người dân và các nước giàu sẽ phải gánh chịu một phần hệ quả.
Bà Okonjo-Iweala cũng tỏ ra phấn khởi trước sự đóng góp của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với nỗ lực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm đảm bảo việc phân phối vắc-xin rộng rãi hơn.