“Châu Á không thể thịnh vượng nếu Trung Quốc không thịnh vượng”

20/10/2020 09:20 GMT+7
Tờ CNBC mới đây dẫn lời các chuyên gia phân tích cho rằng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế toàn Châu Á.
“Châu Á không thể thịnh vượng nếu Trung Quốc không thịnh vượng” - Ảnh 1.

“Châu Á không thể thịnh vượng nếu Trung Quốc không thịnh vượng” - nhận định của chuyên gia kinh tế Eswar Prasad

“Cá nhân tôi cho rằng Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng với nhu cầu ở khu vực Châu Á” dù rằng Bắc Kinh ngày càng có xu hướng đưa thị trường nội địa thành động lực quan trọng của tăng trưởng GDP, trích nhận định của chuyên gia kinh tế Eswar Prasad từ Đại học Cornell.

Trong bối cảnh phần lớn các nền kinh tế thế giới đang chìm trong cuộc suy thoái thảm khốc do đại dịch Covid-19, mức tăng trưởng GDP quý III 4,9% mà Trung Quốc đạt được mới đây là điểm sáng hiếm hoi. Dù con số 4,9% này thấp hơn kỳ vọng 5,2% của các nhà phân tích, nhưng cho đến nay Trung Quốc vẫn là một trong những quốc gia đầu tiên ghi nhận kinh tế phục hồi sau cuộc khủng hoảng đại dịch. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF trước đó đã dự báo rằng Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tăng trưởng dương trong năm nay, mức tăng trưởng ước tính khoảng 1,9%.

Khi được hỏi rằng sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc có ý nghĩa ra sao với nền kinh tế chung của khu vực Châu Á, ông Eswar Prasad khẳng định: “Châu Á không thể thịnh vượng nếu Trung Quốc không thịnh vượng”.

“Châu Á không thể thịnh vượng nếu Trung Quốc không thịnh vượng” - Ảnh 3.

Trung Quốc vừa báo cáo tăng trưởng GDP đạt 4,9% trong quý III

Steve Cochrane, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics cũng đồng tình với ông Prasad khi cho rằng: “Việc Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng nhanh đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu hiện tại là điều rất đáng chú ý”. Tuy nhiên, ông Steve Cochrane chỉ ra rằng trong dài hạn, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia này.

“Để Trung Quốc duy trì sự thịnh vượng trong dài hạn, tôi nghĩ vấn đề thực sự quan trọng ở đây không chỉ là bơm tín dụng, mà còn là đưa tín dụng vào tay các doanh nghiệp vừa và nhỏ - bộ phận năng động nhất của nền kinh tế để tạo ra tăng trưởng việc làm và năng suất. Đó là yếu tố quan trọng với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc nói riêng và các nền kinh tế khác trong khu vực Châu Á nói chung” - nhà kinh tế Eswar Prasad nhấn mạnh.

Điều này tương tự như quan điểm của ông Steve Cochrane, rằng: “Bất kỳ loại kích thích kinh tế nào trong tương lai đều phải tập trung nhiều hơn vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng là bộ phận năng động của nền kinh tế, cũng là bộ phận đóng góp lớn cho sự tăng trưởng và đa dạng hóa nền kinh tế”.

Trước khi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 làm chao đảo nền kinh tế, ước tính các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp tới 60% GDP quốc gia và tạo ra 80% việc làm trên thị trường lao động Trung Quốc. Tuy nhiên, khi đại dịch ập đến, một công cụ tìm kiếm dữ liệu kinh doanh tại Trung Quốc là Tianyancha chỉ ra hơn 460.000 công ty Trung Quốc đóng cửa vĩnh viễn trong quý I, phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc tiếp cận dòng tín dụng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng gặp khó khăn do các ngân hàng Trung Quốc có xu hướng thích cho vay hơn với người vay là doanh nghiệp quốc doanh hoặc doanh nghiệp lớn.

NTTD
Cùng chuyên mục