Chi 70 tỷ cho 5 tỉnh miền Tây trước hạn mặn lịch sử
Chiều 8/3 tại Bến Tre, người đứng đầu Chính phủ đã họp với 5 tỉnh về tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những giải pháp mà các địa phương đã và đang thực hiện trước những khó khăn do tình trạng hạn, mặn gây ra.
Với số tiền 70 tỷ đồng, Thủ tướng yêu cầu phải đến được tau người dân, không để thất thoát, lãng phí.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Chính phủ, bộ ngành và các địa phương đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp ứng phó hạn mặn nhưng vẫn có những thiệt hại. Diện tích lúa đông xuân toàn vùng khoảng 1,5 triệu ha, hiện đã thu hoạch một triệu ha. Tổng diện tích lúa thiệt hại gần 40.000 ha (trên 30% năng suất).
Theo ông Hiệp, năm 2019, sông Mekong ít nước, lưu lượng về ĐSCL bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm, thấp hơn cả năm lịch sử 2016, gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô. Trừ Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ, 10 tỉnh còn lại đều bị ảnh hưởng.
Dự báo của ngành chức năng, trong tuần tới mặn tiếp tục tăng cao, kéo dài đến tháng 4, có nhiều nhánh sông nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào đất liền đến 100 -110 km tính từ cửa sông như Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây (Long An).
Nan giải nhất hiện nay đối với các tỉnh ĐBSCL nằm ở hạ nguồn là nước sinh hoạt. Tại Bến Tre, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt diễn ra từ sau Tết nhưng đến nay đã quá sức chịu đựng của người dân.
Trong khi nước máy đã bị nhiễm mặn 4-5‰, không thể tắm giặt thì người dân bắt buộc phải đi mua nước ngọt từ nơi khác chở về với giá cắt cổ, có nơi lên đến 300.000 đồng/m3, dù giá nước máy chỉ khoảng 8.000 đồng/m3.
Theo Bộ NN&PTNT, đến nay miền Tây có khoảng 20.000 ha lúa bị mất trắng do hạn mặn, bằng khoảng 7% so với năm 2016. Đợt hạn mặn lịch sử bốn năm trước (100 năm mới lặp lại) khiến 600.000 người miền Tây thiếu nước sinh hoạt và 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. 10 trong số 13 tỉnh, thành phải công bố thiên tai.