China Evergrande thanh toán 83,5 triệu USD lãi trái phiếu ngay trước hạn chót ân hạn

22/10/2021 10:00 GMT+7
Báo cáo của Thời báo Chứng khoán Trung Quốc cho biết China Evergrande đã thanh toán khoản lãi trái phiếu này đúng hạn 23/10, tức ngay trước khi thời gian ân hạn kéo dài 30 ngày kết thúc, để không bị tính là vỡ nợ trái phiếu.

Tờ thời báo Chứng khoán Trung Quốc Securities Times mới đây đưa tin China Evergrande đã hoàn tất khoản thanh toán lãi trái phiếu đến hạn vào ngày 23/9, ngay trước khi thời gian ân hạn kéo dài 30 ngày kết thúc.

Sau tin tức này, cổ phiếu China Evergrande đã tăng vọt hơn 4%.

Khoản thanh toán lãi suất trái phiếu 83,5 triệu USD cho trái phiếu bằng đồng USD thời hạn tháng 3/2022 của China Evergrande đã trở thành tâm điểm chú ý của thị trường kể từ khi nhà phát triển bất động sản cảnh báo nguy cơ vỡ nợ vào tháng 9.

Báo cáo của Thời báo Chứng khoán Trung Quốc cho biết China Evergrande sẽ thanh toán khoản lãi trái phiếu này đúng hạn 23/10, tức ngay trước khi thời gian ân hạn kéo dài 30 ngày kết thúc, để không bị tính là vỡ nợ trái phiếu. Đến thời điểm hiện tại, China Evergrande được cho là đã chuyển khoảng 83,5 triệu USD thanh toán lãi trái phiếu thông qua ngân hàng Citibank.

China Evergrande thanh toán 83,5 triệu USD lãi trái phiếu ngay trước hạn chót ân hạn - Ảnh 1.

China Evergrande thanh toán 83,5 triệu USD lãi trái phiếu ngay trước hạn chót ân hạn

Ngoài khoản lãi trái phiếu 83,5 triệu USD, China Evergrande cũng bỏ lỡ 4 đợt thanh toán trái phiếu khác trong tháng 9 và tháng 10 qua, với tổng giá trị lên tới 279 triệu USD, theo Reuters (bao gồm cả khoản thanh toán 83,5 triệu USD đã bỏ lỡ hạn thanh toán hôm 23/9).

China Evergrande hiện là nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới với gánh nặng nợ ước tính hơn 300 tỷ USD. Tình trạng khó khăn của China Evergrande hiện nay hoàn toàn trái ngược với thông điệp mà nhà sáng lập tập đoàn, ông Xu Jiayin (Hứa Gia Ấn) đưa ra vào đầu năm 2020 rằng các nhà đầu tư nên “thư giãn” bởi tập đoàn này chưa và sẽ không bao giờ vỡ nợ”.

Trong một phát biểu gần đây, ông Zou Lan, Giám đốc bộ phận thị trường tài chính của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc khẳng định: “Các vấn đề mà tập đoàn China Evergrande hiện đang đối diện là hiện tượng riêng lẻ. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn đang hoạt động ổn định và có các chỉ số tài chính tích cực. Ngành bất động sản nói chung vẫn đang hoạt động lành mạnh”.

Theo ước tính của Moody’s, bất động sản và các ngành liên quan chiếm khoảng 1/4 GDP của Trung Quốc. Hồi cuối tháng 8, PBOC và các cơ quan chức năng khác đã tổ chức một cuộc họp khẩn với ban lãnh đạo China Evergrande để yêu cầu tập đoàn này giải quyết gánh nặng nợ. Chỉ vài ngày sau cuộc họp, China Evergrande liên tiếp đưa ra các cảnh báo nhà đầu tư về khả năng vỡ nợ.

Sở dĩ các nhà hoạch định chính sách phải lên tiếng trấn an thị trường là do nhà đầu tư quan ngại quy mô quá lớn của China Evergrande sẽ khiến sự sụp đổ của nó biến thành sự lặp lại của “khoảnh khắc Lehman” - tức vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư lớn thứ hai nước Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Một báo cáo của Bloomberg trước đó cho biết các nhà chức trách Bắc Kinh đã yêu cầu nhà phát triển bất động sản này thực hiện tất cả các biện pháp có thể để tránh vỡ nợ đối với trái phiếu bằng đồng USD, song song với hoàn thành các dự án bất động sản đang dang dở. Một số nhà phân tích nhận định China Evergrande có thể ưu tiên đáp ứng nghĩa vụ trả lãi các trái phiếu mệnh giá Nhân dân tệ cho nhà đầu tư trong nước hơn là nhà đầu tư nước ngoài - những người chủ yếu nắm giữ các trái phiếu mệnh giá USD.

Jimmy Chang, giám đốc đầu tư tại Rockefeller Global Family Office nhận định: “Thị trường đều mong đợi chính phủ sẽ đưa ra một số giải pháp, vì China Evergrande là một tập đoàn khổng lồ với sự hiện diện mạnh mẽ trong nền kinh tế. Tập đoàn này đang cõng trên lưng số nợ 300 tỷ USD chưa thanh toán. Một vụ vỡ nợ của China Evergrande sẽ gây ra hiệu ứng tiêu cực lan tỏa trong toàn hệ thống tài chính Trung Quốc. Tôi cho rằng cuối cùng, vụ việc sẽ kết thúc khi một số doanh nghiệp quốc doanh có nguồn thanh khoản dồi dào vào cuộc và tiếp quản lại China Evergrande”.


NTTD
Cùng chuyên mục