Chính phủ chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp bị điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài

An Linh
16/04/2025 06:30 GMT +7
Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách mới liên quan đến Luật quản lý ngoại thương, trong đó có quy định chi tiết về phòng vệ thương mại trong tình hình mới.

Cụ thể, tại Nghị định số 86/2025/NĐ-CP, Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về cách xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước; chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; căn cứ tiến hành, trình tự, thủ tục, thời hạn, nội dung, căn cứ chấm dứt điều tra vụ việc phòng vệ thương mại (điều tra).

Bên cạnh đó, Nghị định quy định cách áp dụng, rà soát biện pháp phòng vệ thương mại; xác định trợ cấp và biện pháp chống trợ cấp; trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan trong quá trình điều tra; xử lý biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Chính phủ yêu cầu xây dựng hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại, giao Bộ Công Thương xây dựng và vận hành hệ thống cảnh báo sớm khả năng xảy ra vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam để thông tin cho doanh nghiệp, hiệp hội ngành, nghề để phòng, tránh và chuẩn bị ứng phó với các vụ kiện.

Bộ Công Thương quy định việc tổ chức và vận hành hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Quy định về khởi kiện nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu khi phát hiện có vi phạm Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Nghị định quy định trên cơ sở thông tin thu thập hoặc theo đề nghị bằng văn bản của thương nhân Việt Nam, hiệp hội, tổ chức đại diện doanh nghiệp có liên quan, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác xem xét xây dựng phương án khởi kiện theo khoản 1 Điều 76 Luật Quản lý ngoại thương, lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ.

Về xây dựng phương án yêu cầu bồi thường trong trường hợp thương nhân Việt Nam bị nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng phương án yêu cầu bồi thường, trong trường hợp cần thiết, lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Bộ Công Thương, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức, cá nhân được lấy ý kiến phải có ý kiến bằng văn bản về hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp không nhận được trả lời đúng thời hạn, Bộ Công Thương căn cứ các thông tin sẵn có hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt phương án yêu cầu bồi thường trên cơ sở hồ sơ trình của Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương chủ trì, tiến hành tham vấn với cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu về phương án yêu cầu bồi thường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trường hợp đạt được thỏa thuận về yêu cầu bồi thường, Bộ Công Thương chủ trì, giám sát việc thực hiện thỏa thuận.

Quy trình, thủ tục tiến hành phương án yêu cầu bồi thường thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Đáng nói, Chính phủ yêu cầu xây dựng phương án trả đũa trong trường hợp thương nhân Việt Nam bị nước nhập khẩu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ, trong đó quy định: Trường hợp không đạt được thỏa thuận về yêu cầu bồi thường, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng phương án trả đũa, trong trường hợp cần thiết, lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Bộ Công Thương, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức, cá nhân được lấy ý kiến phải có ý kiến bằng văn bản về hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp không nhận được trả lời đúng thời hạn, Bộ Công Thương căn cứ các thông tin sẵn có hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt phương án trả đũa trên cơ sở hồ sơ trình của Bộ Công Thương.

Quy trình, thủ tục tiến hành phương án trả đũa thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Tham gia bên liên quan trong các vụ việc phòng vệ thương mại, bên thứ ba trong các vụ việc giải quyết tranh chấp tại Tổ chức thương mại thế giới liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại.

Nghị định quy định Bộ Công Thương xem xét đăng ký tham gia bên liên quan khi nước ngoài điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Bộ Công Thương xem xét đăng ký tham gia bên thứ ba trong các vụ việc giải quyết tranh chấp tại Tổ chức thương mại thế giới trong trường hợp vụ việc có liên quan đến quyền, lợi ích của Việt Nam trong lĩnh vực phòng vệ thương mại. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương tham khảo ý kiến các bộ, ngành liên quan để xem xét đăng ký tham gia.

Bộ Công Thương có thể xem xét cung cấp các thông tin, tài liệu trong quá trình tham gia bên thứ ba trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của tổ chức, cá nhân với điều kiện các tài liệu, thông tin đó được phép công bố theo quy định của các Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.