Chính quyền Tập Cận Bình đồng ý mua 50 tỷ USD nông sản Mỹ để đổi lấy nhượng bộ thuế quan

13/12/2019 11:04 GMT+7
Nhà Trắng đã đồng ý đình chỉ mức thuế quan tiếp theo với 156 tỷ USD hàng tiêu dùng Trung Quốc, đồng thời giảm các mức thuế đang áp lên 360 tỷ USD hàng hóa còn lại để đổi lấy cam kết mua nông sản trong năm 2020 từ Bắc Kinh, nguồn tin của tờ Reuters cho hay.
Bắc Kinh đồng ý mua 50 tỷ USD nông sản để đổi lấy nhượng bộ thuế quan từ Mỹ - Ảnh 1.

Bắc Kinh chấp nhận tăng mua gấp đôi lượng nông sản nhập khẩu năm 2017 để Mỹ dỡ bỏ thêm thuế quan

Theo bản tóm tắt đàm phán mà Reuters có được, Nhà Trắng nhất trí đình chỉ mức thuế quan 15% với số hàng tiêu dùng trị giá 156 tỷ USD của Trung Quốc dự kiến có hiệu lực hôm 15/12 tới đây. Nhà Trắng cũng dỡ bỏ tới 50% gánh nặng thuế với 360 tỷ USD hàng hóa còn lại. Bù lại, Trung Quốc cam kết nhập khẩu 50 tỷ USD nông sản Mỹ trong năm 2020, tức hơn gấp đôi lượng nông sản nước này nhập khẩu từ Mỹ năm 2017, ngay trước khi thương chiến Mỹ Trung khơi mào. Năm 2017, Trung Quốc đã nhập khẩu 24 tỷ USD nông sản từ thị trường Mỹ. Trong đó, nhập khẩu đậu nành chiếm gần 1 nửa trong tổng kim ngạch nhập khẩu.

Nhà Trắng hiện chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về nội dung thỏa thuận giai đoạn 1. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố trên Twitter rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tiến rất gần tới thỏa thuận, vì “họ muốn thỏa thuận và chúng ta cũng vậy”.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung trong hơn một năm qua đã càn quét thị trường tài chính toàn cầu, gây ảnh hưởng sâu sắc trên nhiều lĩnh vực bao gồm cả công nghệ, dịch vụ… Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF từng cảnh báo thương chiến đang tác động bất lợi tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu, làm giảm khoảng 0,33% GDP kinh tế thế giới trong ngắn hạn, đồng thời khẳng định nguy cơ suy thoái đang cận kề. Đồng quan điểm với IMF, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới từ 3,3% xuống 3,2% trong năm 2019, qua đó hối thúc các chính phủ giải quyết tranh chấp thương mại trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang đe dọa tăng trưởng toàn cầu.

Nhà Trắng trong năm 2019 đã phải công bố khoản viện trợ 28 tỷ USD cho nông dân Mỹ, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thương chiến và các mức thuế quan trả đũa của Trung Quốc. Dù mới đây, phía Bắc Kinh đã tuyên bố miễn thuế một số mặt hàng nông sản Mỹ như thịt lợn và đậu nành trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi đẩy lạm phát tiêu dùng tại Trung Quốc lên cao, Mỹ vẫn muốn Trung Quốc cam kết một khối lượng nhập khẩu nông sản cụ thể thay vì “nhập khẩu theo nhu cầu thị trường”. 

Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký kết sẽ mở ra hành lang thông thoáng cho nông sản Mỹ xuất sang thị trường Trung Quốc. “Làn gió mới” trong ngành nông nghiệp của Mỹ không chỉ đóng góp vào sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Mỹ mà còn “trải thảm” cho quá trình tái tranh cử Tổng thống của ông Trump. Các lĩnh vực khác của nền kinh tế Mỹ bao gồm sản xuất và dịch vụ vẫn đang tăng trưởng ổn định, chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 50 năm. Cục Dự trữ Liên bang FED mới đây gợi ý giữ lãi suất ổn định trong năm 2020 sau 3 lần cắt giảm lãi suất liên tiếp năm 2019, qua đó tạo tâm lý ổn định cho các nhà đầu tư. 

Nhận định về thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1, ông Craig Allen, chủ tịch hội đồng Doanh nghiệp Mỹ Trung cho hay: “Nếu được ký kết, thỏa thuận giai đoạn 1 đáng khích lệ sẽ đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ song phương. Nhưng nên nhớ đây chỉ là thỏa thuận khởi đầu. Các xung đột mà Mỹ và Trung Quốc cần đối mặt tiếp theo sẽ phức tạp và đa diện hơn, khó mà giải quyết trong ngắn hạn”. 

Một số nhà kinh tế cũng cảnh báo rằng Mỹ và Trung Quốc có vẻ thực sự có một thỏa thuận về nguyên tắc, nhưng chưa có một thỏa thuận cụ thể bằng văn bản. Tức là những nguy cơ vẫn còn rõ ràng và chưa có gì là chắc chắn. “Hãy chờ đợi đến khi thỏa thuận được ký kết” - nguồn tin từ Washington cho hay.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục