Chồng chéo quy định hàng “Made in VietNam”, vụ Asanzo tiếp tục bỏ ngỏ

09/01/2020 16:22 GMT+7
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan cho biết, hiện tại, tình trạng các Bộ, ngành,… chậm xây dựng các văn bản quy định về như thế nào là hàng “Made in Việt Nam” khiến lực lượng chức năng khó xử lý. Do đó, những vụ việc như nghi vấn giả mạo xuất xứ của Tập đoàn Asanzo đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Thiếu quy định hàng "Made in VietNam" như sinh con xong không đặt tên

Sáng 9/1, Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2019, trong đó, hàng loạt vấn đề tồn tại, bất hợp lý về quy định, chồng chéo chính sách liên quan đến hàng hoá xuất xứ có nguồn gốc tại Việt Nam được nêu ra.

Theo ông Cẩn, trong năm vừa qua, rất nhiều vụ việc giả mạo hàng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu, tiêu thụ trong nước gia tăng với diễn biến phức tạp. Trong đó, lực lượng hải quan đã vào cuộc với nhiều vụ, tuy nhiên, những vướng mắc liên quan đến hệ thống chính sách, quy định thiếu, yếu khiến công tác xử lý chậm, thậm chí đình trệ.

Theo đó, ông Cẩn lấy ngay ví dụ điển hình nhất gây rúng động dư luận năm 2019 là nghi vấn gian lận xuất xứ của công ty Asanzo. Theo đại diện Tổng cục Hải quan cho hay, khi được Thủ tướng giao, Hải quan đã làm toàn diện, tổ chức 2 lần họp công khai với các Bộ, ngành liên quan.

Chồng chéo quy định hàng “Made in VietNam”, vụ Asanzo tiếp tục bỏ ngỏ - Ảnh 1.

Việc thiếu các quy định xác định nhãn hiệu, xuất xứ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp

Trong quá trình làm việc, thanh tra thuế kết luận, các công ty con của doanh nghiệp này trốn thuế tiêu thụ đặc biệt và đến nay họ đã chấp hành. Tuy nhiên, về các dấu hiệu hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, giả mạo xuất xứ,… các cơ quan điều tra đang xác định và khó đưa ra kết luận.

Theo nhận định của ông Cẩn, với tình trạng kéo dài, không ra được kết quả cuối cùng đối với vụ việc của Tập đoàn Asanzo gây tác động xấu đến dư luận và cả doanh nghiệp này.

"Asanzo đang đầu tư mấy trăm tỷ ở dây chuyền công nghệ cao ở TP.HCM, tuy nhiên đang bị đình trệ. Nếu chúng ta sớm di vào cuộc, thống nhất thì sự việc sẽ được xử lý sớm.

Sinh con ra rồi, không có tên, không có họ, không biết nó là dạng gì? Phải có chính sách rõ ràng về "Made in Vietnam" để cho các cơ quan thực thi trách nhiệm không gặp khó" Ông Cẩn cho hay.

Cũng theo thông tin từ lãnh đạo Tổng cục Hải quan, trong báo cáo lên các cấp trên cho thấy, theo quy định, nếu các sản phẩm của Asanzo xuất khẩu là vi phạm xuất xứ.

Tuy nhiên, đối với trường hợp các sản phẩm nói trên tiêu thụ trong nước lại không có quy định nào điều chỉnh, giải thích một cách rõ ràng. Điều này khiến các cơ quan liên quan bỏ trống, không đưa ra kết luận trong suốt nhiều tháng qua.

Xử lý gian lận xuất xứ, chậm chễ đến khi nào?

Trước đó, vào cuối tháng 10, ông Nguyễn Văn Ba, đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết: "Tổng cục Hải quan đã có căn cứ và xác định 2 dấu hiệu vi phạm của Công ty CP Tập đoàn Asanzo. Đó là công ty này có dấu hiệu vi phạm về xâm phạm sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu và tội trốn thuế."

Sau đó, Pv Etime nêu vấn đề, theo chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 30/8, các cơ quan chức năng phải có kết luận vụ việc của Công ty CP Tập đoàn Asanzo nhưng tại sao đến nay sau gần 2 tháng mới có những chứng cứ ban đầu?

Chồng chéo quy định hàng “Made in VietNam”, vụ Asanzo tiếp tục bỏ ngỏ - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan

Trả lời nội dung trên ông Nguyễn Văn Ba cho biết, tại công văn 2648 ban hành ngày 19/9/2019, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, trưởng Ban chỉ đạo ban 389 quốc gia, gia hạn thời gian công bố kết luận vụ việc liên quan đến Asanzo là ngày 30/10/2019.

Tuy nhiên, cho đến nay, khi đã bước sang năm mới 2020, các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kết luận liên quan đến vụ việc trên. Mới đây, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, cho biết công ty Asanzo được cho là có nhiều dấu hiệu gian lận xuất xứ, gây thiệt hại đến uy tín hàng Việt và lừa dối người tiêu dùng tuy nhiên vụ việc vẫn chưa thể kết luận.

"Chúng tôi đang chờ cơ quan công an xử lý, kết quả sẽ thông báo sau." Ông Thế nhấn mạnh.

Trao đổi với Etime, ông Phạm Văn Tam, CEO Tập đoàn Asanzo cho biết, việc các cơ quan chức năng chậm đưa ra kết luận khiến doanh nghiệp thiệt hại rất lớn, không thể hoạt động.

"Hiện tại, chúng tôi chỉ mong các cơ quan chức năng sớm đưa ra kết luận vụ việc, dù đúng hay sai doanh nghiệp cũng sẽ chịu trách nhiệm. Nếu cứ tiếp tục không đưa ra kết luận cuối cùng có thể doanh nghiệp sẽ phải phá sản." Ông Tam cho hay.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục