Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có nguy cơ vỡ nợ vì thiếu khách hàng đủ điều kiện mua

01/06/2023 20:38 GMT+7
Tại nghị trường Quốc hội, nhiều ĐBQH trăn trở với việc phát triển nhà ở xã hội để tạo điều kiện an cư cho công nhân, người lao động. Tuy nhiên, quy định đối tượng mua nhà cũng gây khó khiến một số chủ đầu tư nhà ở xã hội có nguy cơ vỡ nợ.

Phát biểu tại phiên thảo luận Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) hoan nghênh Đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp được Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt là một nhiệm vụ đa mục tiêu, vừa tạo công ăn việc làm mới, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo an cư cho người lao động.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho biết từ thực tiễn của tỉnh Bắc Giang cho thấy đề án hiện đang gặp một thách thức rất trớ trêu. Đó là căn hộ làm ra công nhân muốn mua nhưng lại không đủ điều kiện do không đáp ứng điều kiện, không có nhà ở, đất ở nào khác.

"Ví dụ như dự án nhà ở xã hội thị trấn Nếnh - Việt Yên giai đoạn 1 có 4.000 căn hộ giá bán 12,3 triệu đồng/m2 đang hoàn thiện để đi vào sử dụng nhưng đã hơn một năm, từ khi công bố nhận hồ sơ đến nay mới có trên 200 công nhân đủ điều kiện mua nhà. Với tình hình như vậy, các chủ đầu tư dự án nhà xã hội lại đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vì không có khách hàng đủ điều kiện", ông Thịnh chia sẻ.

Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có nguy cơ vỡ nợ vì thiếu khách hàng đủ điều kiện mua - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Do đó, đại biểu đề xuất cần mở rộng ngay điều kiện đối tượng mua, thuê với ưu tiên xếp sau 10 đối tượng hiện đã quy định tại Luật Nhà ở năm 2014 là các công nhân có thu nhập thấp và chủ doanh nghiệp có nhu cầu thuê cho công nhân của mình để ở thì đều có thể là khách hàng của dự án.

Cũng góp ý về vấn đề phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) đề nghị Chính phủ và các ngành chức năng quyết liệt chỉ đạo triển khai các biện pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhất là các chính sách thí điểm ưu đãi tích hợp trong huy động vốn, tín dụng gắn với các chính sách về quỹ đất.

"Định hướng quy hoạch sử dụng đất, vị trí triển khai các dự án để đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kiến trúc, góp phần hiện thực hóa Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Đây là một chương trình lớn mang tính nhân văn sâu sắc, giúp người lao động có thu nhập thấp an cư lạc nghiệp", bà Trang nhận định.

Bên cạnh đó, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) cho biết đoàn ĐBQH tỉnh Long An trước khi dự kỳ họp Quốc hội thứ 5 đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc chuyên đề với hơn 200 cử tri đại diện cho gần 400.000 công nhân lao động ở các khu công nghiệp của tỉnh. Đa số ý kiến công nhân, người lao động đề mong muốn tiếp cận và mua nhà ở xã hội.

"Chúng tôi đồng cảm ghi nhận rất nhiều ý kiến của công nhân lao động, đó là những tâm tư, những chia sẻ sự khó khăn, phản ánh những bất cập của những quy định pháp luật, những nguyện vọng, kiến nghị, đề đạt của công nhân về chính sách và những quy định liên quan đến lao động, việc làm, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và đặc biệt là mong muốn thiết tha về tiếp cận và mua nhà ở xã hội", bà Dung chia sẻ.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục