Thành viên cấp cao mới của Trung Quốc sẽ thổi "làn gió mới" vào vòng đàm phán mới?

25/07/2019 17:06 GMT+7
Không ai nghi ngờ về những quan điểm đối lập khó tháo gỡ giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, vòng đàm phán trực tiếp vào thứ Ba tuần tới tại Thượng Hải với những nhân tố mới chính là một bước tiến quan trọng trong xung đột thương mại đã kéo dài hơn một năm nay.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn, người liên tục có những phát ngôn cứng rắn trước vòng đàm phán Mỹ Trung

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn chỉ mới gia nhập phái đoàn đàm phán vài tuần gần đây, trong các cuộc điện đàm với Đại diện Văn Phòng Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Trước đó, ông này đã “ẩn mình” cả năm trời mặc cho xung đột thương mại Mỹ Trung leo thang đầy căng thẳng. Rõ ràng, những động thái gần đây của Chung Sơn chứng minh ông sẽ là một phần quan trọng của nhóm đàm phán, gánh trên vai nhiệm vụ vạch ra một con đường sáng sủa hơn cho thương chiến, chấm dứt những trừng phạt thuế quan, khép lại nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Chung Sơn không phải một ẩn số với các quan chức Mỹ. Ông nhiều lần xuất hiện trong các hội nghị quốc tế với vai trò Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc. Người ta chỉ nghi ngờ, Chung Sơn liệu có đem đến bàn đàm phán một bước ngoặt quyết định?

Một nhà đàm phán cứng rắn

Lý do tại sao Bắc Kinh chọn Chung Sơn vào phái đoàn đàm phán và nâng cao vị thế của ông ta hiện chưa rõ ràng. Nhưng một điều chắc chắn, sự cứng rắn của Chung Sơn đã tạo nên những nhịp điệu mới cho vòng đàm phán. Từ lâu, Chung Sơn đã nổi tiếng là một trong những nhà ngoại giao Trung Quốc có quan điểm cứng rắn với Mỹ, do đó mà người ta lo sợ cuộc đối thoại tại Thượng Hải tới đây sẽ căng thẳng hơn nhiều.

Dù không nhắc tên Chung Sơn, nhưng cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow đã cảnh báo việc Trung Quốc đưa những thành phần mới vào đoàn đàm phán có thể làm phức tạp thêm những nỗ lực tiến tới thỏa thuận Mỹ Trung, khiến ông Trump phải lên tiếng đe dọa mức trừng phạt thuế quan lên 325 tỷ USD hàng hóa tiếp theo của Trung Quốc.

Tất nhiên, ông Chung Sơn vẫn được nhận xét là một quan chức trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc, người có thừa nghệ thuật ngoại giao và khôn khéo trên bàn đàm phán.

Một Bộ trưởng Thương mại “ẩn dật”

Chung Sơn được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Thương mại vào đầu năm 2017, ngay trước khi căng thẳng thương mại Mỹ Trung dần rõ rệt và lên đến đỉnh điểm. Chung Sơn cũng là một trong những người bắt đầu các cuộc đối thoại sớm nhất với chính quyền Donald Trump.

Còn nhớ trong cuộc họp báo đầu tiên với tư cách Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Chung Sơn đã đánh giá cao người đồng cấp Mỹ Wilbur Ross - một trong những người đóng vai trò chủ chốt trong phái đoàn đàm phán của Mỹ - như nhà đàm phán bậc thầy. Chung Sơn ngỏ ý muốn đối thoại với những người xuất sắc như ông Wilbur Ross để đạt đến các chiến lược trong dài hạn.

Chỉ tiếc là Chung Sơn cũng như Wilbur Ross sau đó đã mờ dần trong bối cảnh thương chiến leo thang, sau khi Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người nắm quyền lực vượt trội hơn Chung Sơn trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc trở thành nhà lãnh đạo phái đoàn đàm phán. 

Mãi cho tới gần đây, cái tên Chung Sơn mới nổi trở lại khi được đưa vào đoàn đàm phán của Trung Quốc. Những phát ngôn cứng rắn của Chung Sơn cũng gây chú ý lớn trên chính trường quốc tế, trong bối cảnh thế giới dồn sự chú ý vào mọi động thái của Bắc Kinh và Washington.

Clete Willems, Phó Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ nhận định việc ông Chung Sơn tham gia vào phái đoàn đàm phán có thể không phải dấu hiệu xấu cho thỏa thuận thương mại. Mặc dù Chung Sơn đã không trực tiếp gặp gỡ Đại diện Văn Phòng Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin trong các vòng đàm phán đặc thù, nhưng ông ta luôn theo sát các tiến trình đàm phán và tham gia cố vấn vòng ngoài. Mỗi hành động của Chung Sơn sẽ được quyết định dựa trên lợi ích thương mại của Trung Quốc, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Thương mại.

Một “làn gió mới” cho đàm phán Mỹ Trung?

Kể từ khi đàm phán Mỹ Trung sụp đổ hồi tháng Năm, những phát ngôn của Chung Sơn hướng đến Mỹ đã nhiều hơn sự cứng rắn.

“Chính phủ Mỹ đã khơi mào xung đột thương mại với chúng ta. Điều đó vi phạm các nguyên tắc của WTO về chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ” - ông khẳng định trong một cuộc phỏng vấn với Nhật báo Nhân dân. “Chúng ta cần giữ vững tinh thần đấu tranh, bảo vệ lợi ích quốc gia và nhân dân cũng như hệ thống thương mại đa phương”. 

Một phần quan điểm cứng rắn của Chung Sơn xuất phát từ mối quan hệ tư tưởng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông này từng làm việc dưới quyền ông Tập khi còn là Phó Thị trưởng Tỉnh Chiết Giang năm 2003, trước khi trở thành Thị Trưởng và được điều lên Bắc Kinh giữ chức Thứ trưởng Bộ Thương mại năm 2008. Năm 2013, Chung Sơn được bổ nhiệm làm đại diện thương mại quốc tế của Trung Quốc, tham gia đàm phán một số hiệp định thương mại tự do song phương. Khi xung đột thương mại giữa Trung Quốc - EU về các pin năng lượng mặt trời và thiết bị viễn thông leo thang, chính Chung Sơn là thành viên chủ lực trong phái đoàn đàm phán. 

Nhưng sự cứng rắn này là yếu tố cần thiết của mỗi nhà đàm phán, đứng trước quyền lợi của đất nước. Chắc chắn một điều sự cứng rắn của Chung Sơn không ảnh hưởng đến tinh thần chung nếu cả Bắc Kinh và Washington thực sự thiện chí hướng tới thỏa thuận thương mại.

Với tư cách Bộ trưởng Thương mại, ông Chung Sơn chắc chắn sẽ cân nhắc lợi ích thương mại trước tiên khi bước vào đàm phán

Bonnie Glaser, Cố vấn cao cấp từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington cho biết với nhiều kinh nghiệm trong đàm phán thương mại hơn Lưu Hạc và quyền lực chính trị thấp hơn Lưu Hạc, Chung Sơn sẽ có lợi thế trong việc bám sát chi tiết đàm phán và trì hoãn các quyết định quan trọng của giới chức cấp cao Trung Quốc. “Những thành viên trong các phái đoàn đàm phán của Đảng Cộng sản Trung Quốc đều có quan điểm cứng rắn. Bạn sẽ không thể nào tìm thấy những khoảng cách tư tưởng, những mâu thuẫn quan điểm về thương mại giữa họ như những gì bạn thấy ở Mỹ, giữa Đại diện Văn Phòng Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.”

Nhưng trong nhiều mặt, Chung Sơn có thể là một ngoại lệ. Khi vừa gia nhập đoàn đàm phán, ông ngay lập tức yêu cầu các trợ lý thắt chặt lịch họp giao ban trước các cuộc gặp gỡ với đối tác nước ngoài, thậm chí yêu cầu họ xem xét mọi yếu tố bên lề như thời tiết, theo một nguồn tin nội bộ của Bloomberg.

James Green, người từng đối thoại với Chung Sơn trong vai trò cựu giám đốc Văn phòng đại diện Thương mại tại Bắc Kinh đã nhận xét ông này là một người có tư tưởng vượt khỏi khuôn mẫu của những Bộ trưởng Thương mại khác. “Ông Chung Sơn về cơ bản có chung quan điểm bảo vệ lợi ích của Trung Quốc trong các vấn đề thương mại, nhưng không bị ảnh hưởng bởi vấn đề ý thức hệ hay góc nhìn cứng nhắc như các quan chức khác”.

Dù vậy, bất kỳ nhân tố mới nào trong bàn đàm phán cũng khó dẫn tới bước đột phá trong cuộc hội đàm vào tuần sau tại Thượng Hải, nhiều chuyên gia cảnh báo. Bắc Kinh và Washington đã dừng đàm phán trong gần 3 tháng, sẽ mất một khoảng thời gian để họ trở lại vị trí đúng đắn của mình.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục