Xuất khẩu của Nhật giảm tháng thứ 8 liên tiếp giữa tâm bão hai cuộc thương chiến

19/08/2019 12:04 GMT+7
Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản đã chứng kiến sự suy giảm tháng thứ 8 liên tiếp sau tháng 7 vừa qua cùng với sự sụt giảm mạnh mẽ của doanh số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Kim ngạch xuất khẩu Nhật Bản tháng 7 tiếp tục giảm

Xuất khẩu của Nhật Bản tiếp tục giảm tháng thứ 8 liên tiếp trong tháng 7 qua

Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 7 đã giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu vừa được Bộ Tài chính nước này công bố hôm Thứ Hai. Các lô hàng phụ tùng ô tô, linh kiện công nghệ, hóa chất sản xuất con chíp… dẫn đầu mức suy giảm.

Vốn là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, nhưng xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 7 qua đã giảm 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu thiết bị, hóa chất sản xuất chíp giảm 31,5%, xuất khẩu phụ tùng ô tô giảm 35% và xuất khẩu linh kiện điện tử giảm 19%.

Tính chung trên thị trường Châu Á - thị trường chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản, doanh số xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm đã giảm khoảng 8,3%. Là nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào hoạt động xuất khẩu, sự kiện xung đột thương mại Mỹ Trung leo thang làm suy giảm nhu cầu linh kiện đã giáng đòn đau đớn lên nền công nghiệp sản xuất công nghệ cao của Nhật Bản.

Bù lại, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ đã tăng 8,4% trong 7 tháng đầu năm, do sự tăng vọt trong các mặt hàng xuất khẩu máy móc xây dựng, thiết bị sản xuất chíp, linh kiện máy bay, công nghệ cao....

Đây là tháng thứ 10 liên tiếp chứng kiến kim ngạch xuất khẩu Nhật Mỹ tăng, điều có thể khiến Tổng thống Trump thêm phần bực bội. Ông Trump trước đó nhiều lần chỉ trích Nhật Bản, EU và những nước có thặng dư thương mại với Mỹ tăng trưởng, ông cáo buộc các nước này đang tận dụng lợi thế cạnh tranh không lành mạnh để tuồn hàng xuất khẩu vào Mỹ. Hiện thặng dư thương mại nhật Mỹ trong tháng 7 đã tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 579,4 tỷ JPY (khoảng 5,45 tỷ USD).

Mặc cho một số tín hiệu tích cực le lói như tăng trưởng GDP Nhật Bản quý II đạt 0,4%, vượt kỳ vọng và đánh dấu quý thứ ba liên tiếp tăng tốc; tiêu dùng cá nhân đóng góp tới 60% GDP, đầu tư công tăng 1%..., thì thị trường vẫn thể hiện rõ mối quan ngại trong bối cảnh triển vọng ảm đạm cho kinh tế toàn cầu. 

Theo dự đoán của Capital Economics,  kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản vẫn sẽ vượt xa xuất khẩu, và thâm hụt thương mại cuối cùng sẽ trở thành lực cản lớn cho tăng trưởng kinh tế trong quý III tới. 

Nhật Bản lao đao giữa 2 tâm bão chiến tranh thương mại

Đây là tháng thứ 8 liên tiếp Nhật Bản chứng kiến kim ngạch xuất khẩu giảm, cũng là chuỗi giảm doanh số xuất khẩu dài nhất kể từ tháng 11.2016. Hàng loạt dữ liệu kinh tế giảm tốc cùng những bất ổn thương mại leo thang đã đưa niềm tin thị trường xuống mức tiêu cực nhất kể từ tháng 4.2013 đến nay, theo khảo sát của Reuters Tankan. Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản giờ đây lo ngại tình trạng giảm cầu kéo dài sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái trong tương lai gần.

Nỗi ám ảnh suy thoái của Nhật Bản đầu tiên đến từ sự leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ Trung và những hệ lụy đáng sợ của nó. Đường cong lợi suất trái phiếu Mỹ đã đảo ngược hôm 14.8, lần đầu tiên sau 14 năm, dấu hiệu mà nhiều nhà kinh tế nhận định là sự báo trước một đợt suy thoái kinh tế Mỹ. GDP của Đức tăng trưởng âm trong quý II còn nền kinh tế Trung Quốc liên tục cho thấy những dữ liệu không khả quan. IMF thì cảnh báo xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đưa tất cả các nền kinh tế rơi vào suy thoái, thổi bay khoảng 0,5% tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2020.

Song song với đó, diễn biến nóng của căng thẳng thương mại Nhật Hàn cũng có nguy cơ đe dọa trực tiếp các hoạt động xuất khẩu hóa chất sản xuất chíp, linh kiện công nghệ của Nhật Bản. Hàn Quốc được biết đến là một trong những đối tác thương mại lớn nhất và có mối quan hệ chặt chẽ nhất với Nhật Bản trong chuỗi cung ứng linh kiện công nghệ toàn cầu, nhưng Nhật Bản mới đây đã xóa tên quốc gia láng giềng khỏi danh sách ưu đãi thương mại, thậm chí còn kiểm soát xuất khẩu một số mặt hàng với lý do an ninh quốc gia. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã gọi đây là một động thái “tự bắn vào chân mình” của Nhật Bản. Theo ông Moon, các biện pháp trả đũa ăn miếng trả miếng sẽ chỉ gây thiệt hại cho cả hai nước.

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục