Chi phí phòng dịch cao – giá bán thấp: Người chăn nuôi lỗ nặng

01/08/2019 13:30 GMT+7
Từ khi miền Nam xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi thì thị trường thịt heo hơi ở đây diễn ra hết sức phức tạp. Sức mua người dân giảm, người chăn nuôi thì bán tháo đàn heo khiến giá xuống thấp thảm hại. Trong khi đó chi phí phòng dịch Tả heo Châu Phi quá cao đang gần như đẩy người chăn nuôi vào bước đường cùng.

Theo nhiều hộ chăn nuôi ở phía Nam, chi phí thuốc khử trùng, vôi, công tác cách ly... để đối phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi đã khiến giá thành chăn nuôi lợn tại nhiều trại hiện ở mức trên 40.000 đồng/kg lợn hơi, thậm chí cao hơn nếu nằm trong vùng dịch. Giá thành này cao hơn bình thường khoảng 5.000 - 8.000 đồng/kg. Trong khi đó, trong nhiều ngày qua giá lợn hơi bán ra tại chuồng vẫn ở mức khá thấp với dao động khoảng từ 28.000 - 30.000 đồng/kg. Thực trạng này khiến người nuôi đang thua lỗ nặng.

Dịch tả heo Châu Phi đi qua khiến nhiều hộ chăn nuôi mất trắng

Theo đại diện Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, ngoài chi phí đối phó với dịch bệnh, áp lực dịch bệnh khiến nhiều trại bán tháo khi lợn còn nhỏ với khoảng 85 - 90 kg/con, do đó các trại càng thua lỗ.

Trên báo Đồng Nai, ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thống Nhất cho biết, diễn biến bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn đang khá phức tạp. Nhiều trang trại thực hiện rất nghiêm việc phòng tránh dịch bệnh từ nhiều tháng nay với quy định “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, song cũng không tránh khỏi bệnh dịch tả lây lan nhanh chóng.

Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, giá thịt lợn tại các tỉnh miền Trung và miền Nam đợt này giảm mạnh, không thể tăng là vì suốt mấy tuần qua khi dịch bệnh hoành hành, người chăn nuôi có tâm lý lo sợ, muốn bán đi vì sợ lợn bị dịch. Do tâm lý bán tống bán tháo để đảm bảo an toàn nên loại lợn trọng lượng từ 70-80kg được đẩy ra ồ ạt, thị trường thừa cung dẫn đến giá giảm mạnh.

Đó là với các hộ “may mắn” vì chưa có dịch ghé thăm. Còn đối với hơn 70 hộ dân mất trắng vì dịch, chỉ trông chờ vào tiền hỗ trợ của Nhà nước để trả tiền thức ăn, chi phí đầu tư. Mà Nhà nước cũng đang loay hoay khi các địa phương đang cạn kiệt ngân sách, trong khi dịch đang có những diễn biến phức tạp, chưa có vắc xin phòng ngừa.

Học cách phòng, chống dịch TLCP từ thế giới.

Tại một công ty ở Nga, nơi cung cấp đến 3 triệu con lợn hàng năm, không chỉ có những biện pháp cách ly chặt chẽ trong tất cả các khâu mà công ty này còn cấm tất cả công nhân không được thực hiện việc chăn nuôi cá nhân cũng như săn bắt các cá thể lợn sống trong môi trường hoang dã. Những biện pháp phòng vệ sinh học trên đã giúp cho công ty này vượt qua thời kỳ đỉnh điểm của một trong dịch bệnh nguy hiểm nhất trên thế giới.

Tại Trung Quốc cũng đang áp dụng công nghệ cao để sớm nhận diện, cách li và xử lí dịch. Còn tại Đan Mạch đã xây hàng rào tới 70km dọc biên giới quốc gia để ngăn lợn hoang xâm nhập, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu thịt từ các nước. 

Còn trong bối cảnh dịch ngày càng lan nhanh và khó kiểm soát ở Việt Nam, việc cần làm ngay lập tức là cách li mầm bệnh. Đàn lợn khi phát hiện nghi nhiễm, mắc bệnh DTLCP cần lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân bệnh, nếu xác định dương tính, không thực hiện điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh. Cần báo cáo ngay chính quyền địa phương và thú y cơ sở để tiêu hủy sớm toàn bộ đàn lợn, thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Các cơ quan y tế địa phương cũng cần dốc toàn lực giải quyết nhanh - gọn các con lợn bị dịch. Không được có thái độ chủ quan, chậm trễ, hình thức.

Về thời điểm tái đàn sau dịch: 30 ngày kể từ khi tiêu hủy lợn hoặc sản phẩm lợn bị nhiễm bệnh và đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh DTLCP, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở.

Mai Trang
Cùng chuyên mục