Tổng thống Trump: “Họ” bán xe Mercedes-Benz sang Mỹ như bán bánh quy!

18/05/2019 22:50 GMT+7
Mặc dù cuối cùng Mỹ cũng gia hạn 180 ngày để đàm phán với EU về thuế ô tô nhập khẩu nhưng Tổng thống Donald Trump vẫn không thôi chỉ trích.

Ô tô nhập khẩu đang đậu tại cảng Newark New Jersey, Hoa Kỳ.

Cuối tuần, trong buổi gặp gỡ với một nhóm đại diện công ty bất động sản, ông Trump tiếp tục phàn nàn về câu chuyện ô tô nhập khẩu từ EU: “Họ dựng nên các rào cản thương mại. Họ không muốn các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta. Họ bán xe Mercedes-Benz sang Mỹ như bán bánh quy. Họ đưa những chiếc BMW sang đây mà chúng ta rất khó thu được thuế từ chúng”.

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu tuyên bố rằng một số phương tiện và phụ tùng nhập khẩu là mối đe dọa an ninh quốc gia, nhưng đã trì hoãn quyết định đánh thuế trong vòng sáu tháng để cho phép có thêm thời gian đàm phán thương mại với Liên minh châu Âu và Nhật Bản.

Ngày thứ Bảy (18/5) là hạn chót để ông Trump đưa ra quyết định về các khuyến nghị của Bộ Thương mại nhằm bảo vệ ngành công nghiệp ô tô của Hoa Kỳ vì lý do an ninh quốc gia và áp thuế lên tới 25% với hàng nhập khẩu.

Việc chỉ đích danh các hãng xe nước ngoài từ các đồng minh thân cận xuất khẩu vào Hoa Kỳ là mối nguy hiểm cho an ninh quốc gia đã làm dấy lên sự tức giận từ các nhà sản xuất ô tô, đại lý và các chính phủ, nhất là khi Nhà Trắng được gợi ý áp hạn ngạch xuất khẩu tự động đối với các đối tác thương mại.

Hãng Toyota – hồi tháng 3 vừa đầu tư 13 tỷ đô la vào các hoạt động tại Mỹ cho kế hoạch đến năm 2021 – cho rằng đây là động thái thụt lùi rõ ràng đối với người tiêu dùng Mỹ, công nhân Mỹ và ngành công nghiệp ô tô Mỹ, đồng thời khẳng định “đó là thông điệp rằng các khoản đầu tư của chúng tôi không được hoan nghênh”.

"Các hoạt động của chúng tôi tại Mỹ và sử dụng lao động Mỹ đã đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Mỹ và không phải là mối đe dọa an ninh quốc gia”, hãng Toyota khẳng định trong một tuyên bố. Toyota cho biết họ đã có mặt ở Mỹ trong hơn 60 năm và đã đầu tư hơn 60 tỷ đô la vào nước này, sử dụng hơn 475.000 lao động người Mỹ.

Ủy viên thương mại châu Âu Cecilia Malmstroem phải đăng Twitter rằng, “chúng tôi hoàn toàn bác bỏ quan điểm cho rằng xuất khẩu xe hơi của chúng tôi là một mối đe dọa an ninh quốc gia. EU sẵn sàng đàm phán một hiệp định thương mại hạn chế bao gồm ô tô, nhưng không được vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”. WTO cấm các hạn chế xuất khẩu tự động và EU đã nhiều lần tuyên bố sẽ không đồng ý với bất kỳ hạn ngạch nào đối với xuất khẩu ô tô.

Tổng thống Trump đã chỉ đạo Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer tiến hành các cuộc đàm phán với EU, Nhật Bản và những quốc gia nào khác mà ông cho là phù hợp và báo cáo lại trong vòng 180 ngày. Nếu không đạt được thỏa thuận nào, Trump sẽ “quyết định liệu có cần phải thực hiện thêm hành động nào nữa hay không”.

Các nhà sản xuất ô tô cảnh báo việc đánh thuế sẽ phải trả giá bằng hàng trăm nghìn việc làm trong ngành, đẩy giá ô tô tăng mạnh và đe dọa ngân sách của ngành công nghiệp này đối với lĩnh vực xe tự lái.

Một nhóm đại diện cho các nhà sản xuất ô tô lớn của Đức và châu Á bao gồm Daimler AG, Volkswagen AG, Honda Motor Co và Nissan Motor Co, coi việc đề xuất ô tô nhập khẩu là rủi ro an ninh quốc gia là quyết định vô lý. Nhóm này khẳng định không ai trong ngành công nghiệp ô tô yêu cầu phải tăng thuế hay các biện pháp bảo vệ khác từ chính phủ.

Cody Lusk, chủ tịch Hiệp hội đại lý ô tô quốc tế Mỹ nói: “Sự thật là ô tô nhập khẩu và phụ tùng ô tô không phải là mối đe dọa an ninh quốc gia. Sử dụng tuyên bố giả mạo này để biện minh cho cách buộc các đối tác thương mại của chúng ta ngồi vào bàn đàm phán sẽ chỉ tạo thêm sự bất ổn cho toàn bộ ngành công nghiệp ô tô của Mỹ”.

Liên minh các nhà sản xuất ô tô, một nhóm đại diện cho General Motors Co, VW, Ford Motor Co và các công ty khác, cho biết họ quan ngại sâu sắc việc chính quyền tiếp tục xem xét áp thuế ô tô. Liên minh này cho biết kể từ năm 2017, các nhà sản xuất ô tô đã đầu tư 22,8 tỷ USD vào các cơ sở mới và hiện có tại Mỹ, “nhưng việc tăng thuế ô tô có nguy cơ đảo ngược tiến trình này. Bạn có thể bị đánh thuế hoặc đầu tư, nhưng không thể có cả hai”.

Nhà máy sản xuất của hãng Toyota tại Kentucky, Tennessee, West Virginia.

Thượng nghị sĩ Ron Wyden của đảng Dân chủ, đã chỉ trích ông Trump rằng “sự đe dọa này sẽ chỉ khiến các đồng minh của chúng ta không muốn hợp tác để giải quyết những thách thức lớn hơn với Trung Quốc, hay giải quyết các vấn đề thương mại thực sự”. Vấn đề thuế ô tô bị phản đối mạnh mẽ trong Quốc hội, bao gồm cả nhiều nghị sĩ có ảnh hưởng của đảng Cộng hòa. Nhà Trắng đã từ chối cung cấp nghiên cứu về vấn đề ô tô nhập khẩu cho Quốc hội.

Ông Trump cho rằng “khả năng cạnh tranh của các hãng ô tô Mỹ phải được củng cố bằng cách giảm nhập khẩu” và sức mạnh của ngành sản xuất ô tô trong nước là yếu tố sống còn để duy trì ưu thế quân sự. Các báo cáo trích dẫn số liệu thống kê rằng thị phần của các công ty ô tô Mỹ đã giảm từ 67% - tương đương 10,5 triệu chiếc được sản xuất và bán tại Mỹ năm 1985 - xuống còn 22%, tương đương 3,7 triệu chiếc được sản xuất và bán trong năm 2017. Đồng thời, báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho biết nhập khẩu đã tăng gần gấp đôi - từ 4,6 triệu chiếc lên 8,3 triệu chiếc.

Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross nói với Tổng thống Trump rằng “nếu đàm phán thành công, có thể cho phép các nhà sản xuất ô tô Mỹ đạt được tiềm lực kinh tế lâu dài và tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển để phát triển các công nghệ tiên tiến quan trọng đối với ngành công nghiệp quốc phòng.

Báo cáo cũng gọi EU và Nhật là “các thị trường nước ngoài được bảo hộ” bằng cách đặt ra các rào cản đối với ô tô xuất khẩu của Mỹ, gây bất lợi nghiêm trọng đối với các nhà sản xuất Mỹ”.

Tuy nhiên Hoa Kỳ cũng dựng rào cản đối với hàng nhập khẩu ô tô, đáng chú ý nhất là mức thuế 25% đối với xe bán tải sản xuất ngoài Bắc Mỹ.

Nguyên Hà - Theo Reuter/CNBC
Cùng chuyên mục