Na Chi Lăng mắc kẹt: Chỉ biết cầu trời cho giá lên?

19/08/2019 14:03 GMT+7
Mới vào đầu vụ nhưng nhiều nông sản Việt Nam đã bị dư thừa, tồn đọng và ép giá liên tục do không đáp ứng được yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn của xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Tưởng chừng những hiệp định thương mại tự do (FTA) vừa kí kết sẽ tạo những điều kiện thuận lợi nhất để nông sản Việt Nam được “cất cánh”, nhưng nông sản ưu thế thì chưa được tận dụng mà nước ta lại đang đứng trước nỗi lo không nhỏ khi Trung Quốc giảm nhập khẩu mạnh các mặt hàng nông sản Việt.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục hải quan, gạo là mặt hàng sụt giảm mạnh nhất, lên tới 75%, tiếp theo là sắn giảm gần 18%, thủy sản giảm gần 10%. Nhiều mặt hàng rau quả tươi vốn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường này đã bị tác động ngay lập tức. Quả na Chi Lăng, Lạng Sơn, đang bước vào thu hoạch là một ví dụ điển hình.

Hàng nghìn tấn na Chi Lăng đang bị ép giá do Trung Quốc xiết chặt nhập khẩu

Như các vụ trước, na vừa vào vụ thu hoạch đã được thương lái thu mua tận vườn với giá buôn từ 25.000 – 30.000 đồng/kg. Nhưng năm nay, dù na có chất lượng tốt nhất cũng chỉ có giá 16.000 đồng/kg, giảm một nửa so với vụ trước. Còn những loại khác chỉ có giá khoảng 10.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do năm nay na không nằm trong danh mục 9 loại trái cây được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc nên dù có đạt chứng nhận an toàn như VietGap và GlobalGap thì hàng nghìn tấn na cũng chỉ biết tiêu thụ nội địa.

Vào những ngày nắng nóng đinh điểm, chi phí để chăm sóc na tăng lên vài lần, chưa kể chi phí nhân công thu hoạch, vận chuyển. Vậy mà với mức giá đầu vụ như vậy, người trồng na chỉ còn cách “cầu trời” và trông đợi vào thị trường khởi sắc hơn. Còn với các cơ quan có thẩm quyền cần tổ chức lại thị trường trong nước, hạn chế tối đa các khâu trung gian để có giá tốt nhất cho người sản xuất; tìm kiếm các thị trường khác để xuất khẩu, cứu “16.000 tấn na sạch Chi Lăng”.

90% nông sản Việt Nam đã quen xuất khẩu sang Trung Quốc nên trước yêu cầu xuất khẩu chính ngạch, không chỉ na mà từ đầu năm đến nay, rất nhiều sản phẩm khác của Việt Nam bị Trung Quốc từ chối nhập khẩu do không đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng. Ngoặc ngược lại, đáp ứng được chất lượng nhưng không nằm trong danh sách được nhập khẩu. 
Trước những bài toán khó và mới, cần những bước đi nhanh của các cơ quan chức năng để có những hướng đi đúng đắn, giúp người nông dân và cứu cả ngành nông nghiệp Việt Nam

Mai Trang
Tags:
Cùng chuyên mục