Mỹ có thể là kẻ thua cuộc lớn trong xung đột thương mại Mỹ Trung?

11/08/2019 16:52 GMT+7
Với việc đổ thêm dầu vào căng thẳng, ông Trump đang tăng nhiệt trong một cuộc tranh chấp mà thiệt hại và những tác động của nó với nền kinh tế toàn cầu ngày một rõ rệt.

Căng thẳng thương mại Mỹ Trung đã lên tới đỉnh điểm hồi tuần qua sau hàng loạt động thái không khoan nhượng từ Bắc Kinh và Washington. Nhưng trái với những gì ông Trump tuyên bố, các nhà phân tích đang nghiêng về khả năng Mỹ mới là kẻ chịu thiệt trong xung đột này.

Hồi tuần trước, ông Trump bất ngờ tuyên bố sẽ áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sau khi vòng đàm phán tại Thượng Hải kết thúc mà không mang đến một tín hiệu tích cực rõ rệt nào. Tổng thống Mỹ cáo buộc Bắc Kinh đang chờ đợi đến sau bầu của Tổng thống trước khi đạt đến thỏa thuận.

Một khi thuế quan có hiệu lực vào ngày 1.9 như đe dọa của ông Trump, gần như tất cả hàng hóa xuất xứ Trung Quốc, kể cả các dòng sản phẩm chủ lực của Apple sẽ gánh chịu mức thuế nặng nề. Phải chăng mức thuế này sẽ gây tổn thương đaub đớn cho kinh tế Trung Quốc? Thực tế dường như chỉ ra điều ngược lại.

Với việc đổ thêm dầu vào căng thẳng, ông Trump đang tăng nhiệt trong một cuộc tranh chấp mà thiệt hại và những tác động của nó với nền kinh tế toàn cầu ngày một rõ rệt. Chiến tranh thương mại rõ ràng không phải cuộc chiến có kẻ thắng và người thua, mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều có nguy cơ lao đao trong cuộc chiến chưa có dấu hiệu kết thúc này.

Tác động gián tiếp của thuế quan với Mỹ là không thể lường trước

Lý thuyết kinh tế cho thấy thuế quan có tác động tiêu cực đến người tiêu dùng và các nhà xuất khẩu. Nhiều quốc gia có thuế nhập khẩu đánh vào một số sản phẩm cụ thể từ nhiều quốc gia với mức thuế cao hơn 15%, nhưng chỉ áp dụng cho một lượng dưới 1% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa. 

Nhưng thuế quan của ông Trump đã lên tới 25% và chỉ áp dụng với các nhà xuất khẩu Trung Quốc thay vì áp dụng chung cho mọi đối tượng xuất khẩu từ cả Châu Âu hay Châu Á. Lợi dụng điều này, các nhà xuất khẩu quốc tế cũng có thể tăng giá thành sản phẩm và cuối cùng, người chịu thiệt lớn nhất sẽ là người tiêu dùng Mỹ. Như vậy, tác động gián tiếp của thuế quan mà ông Trump áp đặt lên 300 tỷ USD hàng hóa tiếp theo từ Trung Quốc có thể sẽ lớn hơn nhiều tác động trực tiếp không đáng kể mà ông Trump từng tuyên bố.

Trung Quốc: thiên đường hàng giá rẻ khó thay thế

Nghiên cứu sơ bộ từ các nhà kinh tế chỉ ra đa số các nhà sản xuất của Trung Quốc đã không bị ảnh hưởng nhiều bởi thuế quan 25% lên hơn 200 tỷ USD hàng hóa của ông Trump, bởi Mỹ khó mà tìm kiếm được thị trường nhập khẩu nào có giá cả rẻ đến thế.

Ngay cả khi Trung Quốc áp thuế 25% lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ để trả đũa, những tác động tiêu cực trở lại thị trường tiêu dùng Trung Quốc cũng khá khiêm tốn. Đơn giản là vì khối lượng hàng hóa mà Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ chiếm chưa đầy 1/10 tổng kim ngach nhập khẩu của quốc gia Đông Á này.

Hơn nữa, phần lớn các mặt hàng mà Trung Quốc đang nhập khẩu từ Mỹ bao gồm đậu tương, nông sản...có thể dễ dàng tìm kiếm nguồn cung thay thế với mức giá ngang bằng từ Brazil hay một số thị trường khác.

Bên cạnh người tiêu dùng, nông dân Mỹ là đối tượng chịu ảnh hưởng bất lợi lớn nhất

Rào cản phi thuế quan gây bất lợi cho chính nước Mỹ?

Bên cạnh rào cản thuế quan, Mỹ cũng tăng cường các rào cản phi thuế quan như một phần trong chính sách thương mại của họ với Trung Quốc hiện tại.

Ví như việc Trump đưa Huawei vào danh sách đen và tuyên bố Chính phủ Mỹ không làm ăn với Huawei cho đến khi thỏa thuận thương mại được thông qua. Hay ví như việc các nhà xuất khẩu Mỹ phải xin giấy phép đặc biệt để xuất khẩu hàng hóa cho Huawei. Lưu ý là Huawei không phải công ty Trung Quốc duy nhất bị Mỹ nhắm vào danh sách đen hạn chế thương mại. Mối đe dọa tiềm ẩn này sẽ đóng vai trò như một rào cản vô hình đáng kể với thương mại Mỹ Trung.

Và trong khi Huawei đã phát triển thành công hệ điều hành của riêng mình cùng một công ty con HiSilicon nghiên cứu con chíp, các công ty Mỹ như Google, Micron, Intel… đang đối mặt với nguy cơ mất đi một trong những đối tác thương mại lớn nhất. Cổ phiếu các hãng công nghệ này liên tục suy giảm sau những diễn biến nóng của chiến tranh thương mại hồi tuần qua. Còn Huawei tỏ ra sẵn sàng một cuộc chiến tranh lạnh lâu dài và đầy thử thách.

Trong tình thế này, Mỹ có vẻ sẽ là quốc gia gánh chịu phần thiệt thòi lớn hơn cả.

(Bài phân tích thể hiện góc nhìn của Daniel Gros - nhà kinh tế học người Đức, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách Châu Âu)

Thùy Dung
Cùng chuyên mục