Trump khẳng định không vội đàm phán, đã chuẩn bị sẵn những đòn đau cho Bắc Kinh?

10/08/2019 08:41 GMT+7
"Trung Quốc có vẻ muốn tiến lên, nhưng tôi không làm gì cả. Họ đã lạm dụng chúng ta 25 năm nay. Tôi chưa sẵn sàng để tiến quá nhanh (trên con đường đàm phán)." - ông Trump tuyên bố trước giới truyền thông Mỹ.

Donald Trump: chưa vội thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, không làm ăn với Huawei


Ông Trump: “Chúng tôi chưa sẵn sàng thực hiện một thỏa thuận"

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9.8 đã trả lời giới truyền thông Mỹ rằng Chính phủ sẽ không ký thỏa thuận làm ăn nào với Huawei trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang.

“Chúng tôi không kinh doanh với Huawei. Tôi đã đưa ra quyết định như vậy. Đó kỳ thực là một quyết định rất đơn giản,...nhưng không có nghĩa chúng tôi sẽ không thỏa thuận bất kỳ điều gì khi đạt được thỏa thuận thương mại”. Điều này có nghĩa việc hợp tác với Huawei có thể sẽ được Mỹ xem xét lại khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thành công đi đến thỏa thuận chung.

“Chúng tôi chưa sẵn sàng thực hiện một thỏa thuận, nhưng đã lường trước được điều gì sẽ xảy ra. Trung Quốc có vẻ muốn tiến lên, nhưng tôi không làm gì cả. Họ đã lạm dụng chúng ta 25 năm nay. Tôi chưa sẵn sàng để tiến quá nhanh (trên con đường đàm phán)."

Tuyên bố được xem như sự đáp trả của ông Trump trước hành động ngừng nhập khẩu nông sản Mỹ từ phía Trung Quốc, sau khi ông Trump đe dọa áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa nước này. Việc đồng NDT suy yếu vượt ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ năm 2008 cũng khiến Trump nổi điên và Bộ Tài chính Mỹ nhanh chóng gán mác thao túng tiền tệ với Trung Quốc. Hàng loạt những động thái giữa Bắc Kinh và Washington trong một tuần căng thẳng vừa qua đều chỉ ra một điều rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không thể nào đạt đến thỏa thuận trong tương lai gần.

Tuy nhiên, Bộ Thương mại Mỹ khẳng định vẫn đang tiếp tục xử lý các giấy phép đặc biệt của một số công ty Mỹ muốn nối lại xuất khẩu linh kiện điện tử, công nghệ cho Huawei, và sẽ cấp phép một khi xác định không có mối quan ngại nào đe dọa an ninh quốc gia. Như vậy, phát ngôn "không làm ăn với Huawei" của ông Trump chỉ đơn giản đề cập đến việc Chính phủ Mỹ sẽ không sử dụng bất kỳ dịch vụ, sản phẩm nào từ Huawei.

Sau phát ngôn của Tổng thống về Huawei, cổ phiếu Micron có lúc giảm 2% còn Skyworks Solution giảm 3% nhưng hồi phục ngay sau đó khi Bộ Tài chính Mỹ làm rõ sẽ tiếp tục quá trình cấp phép xuất khẩu. Đây đều là những đối tác thương mại lớn của Huawei.

Mỹ còn những đòn đáp trả đau đớn hơn nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá NDT

Nếu tiếp tục thao túng tiền tệ, Trung Quốc sẽ nhận đòn đau từ Mỹ

Cố vấn thương mại của Nhà Trắng, ông Peter Navarro hôm 9.8 cũng tiết lộ rằng Mỹ sẽ có động thái đáp trả mạnh mẽ hơn một khi Trung Quốc có ý định tiếp tục phá giá đồng NDT. “Rõ ràng, theo quan điểm thương mại, Trung Quốc đã thao túng đồng NDT. Nếu họ lặp lại hành động này, Mỹ sẽ có đòn đáp trả tương xứng”.

“Trung Quốc đã phá giá tiền tệ của họ hơn 10%, và mục đích rõ ràng không gì khác ngoài việc vô hiệu hóa ảnh hưởng tiêu cực của thuế quan” - ông Navarro chỉ rõ.

Vị cố vấn thương mại còn cho rằng nông dân Mỹ sẽ không bị tổn thương bởi bất cứ hành động nào của Bắc Kinh, kể cả việc đình chỉ nhập khẩu nông sản Mỹ. “Chính Trung Quốc sẽ nhận lấy thiệt hại tài chính nặng nề do mức thuế quan mới, chứ không phải Mỹ”. 

“Tức là Trung Quốc sẽ chịu hầu hết gánh nặng thuế quan dù cố gắng thao túng tiền tệ để giảm bớt phần nào tác động”. Ông Navarro còn tiết lộ các quan chức Nhà Trắng đã có kế hoạch cho vòng đàm phán tiếp theo với Bắc Kinh trong vài tháng tới.

Như vậy, Chính phủ Mỹ giờ đây đang đào sâu vào xung đột thương mại với Trung Quốc trong bối cảnh thương chiến leo thang, làm dấy lên nỗi lo căng thẳng kéo dài dẫn nền kinh tế toàn cầu đến sự suy thoái.

Một khi ông Trump tăng thuế từ 10% lên 25% với 300 tỷ hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc, viễn cảnh suy thoái trong khoảng 3 quý tới là điều hiển hiện rõ rệt, theo phân tích của các chuyên gia từ J.P Morgan.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục