Chỉ số Dow Jones lao dốc tuần thứ 5 liên tiếp với lo ngại chiến tranh thương mại

25/05/2019 09:12 GMT+7
Các chiến lược gia của phố Wall mới đây cảnh báo về 3 yếu tố có thể tạo nên làn sóng bán tháo cuối tháng 5 này, đẩy các chỉ số chứng khoán lao dốc ngay đầu mùa hè.

Trên sàn giao dịch, chỉ số S&P 500 đã giảm 1.3% còn chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 1% trong tuần này khiến các nhà đầu tư “đứng ngồi không yên”.

Đây đã là tuần giảm thứ 5 liên tiếp của chỉ số Dow Jones, chuỗi tuần giảm dài nhất kể từ năm 2011. Chỉ số S&P 500 cũng chứng kiến tuần giảm thứ 3 liên tiếp, chuỗi tuần giảm dài nhất kể từ tháng 12/2018.

Năng lượng và công nghệ là những lĩnh vực ảm đạm nhất trong tuần. Giá dầu thô giảm 6% kéo theo sự suy giảm 3.5% cổ phiếu ngành năng lượng. Công nghệ, ngành đang chiếm đến 25,1% tỷ trọng chỉ số S&P 500 cũng mất 2.5%.

Hôm 24/5 chứng kiến sự tăng trưởng nhẹ các chỉ số chứng khoán sau tuyên bố tự tin của Tổng thống Trump rằng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ sớm kết thúc. Tuy nhiên, việc nhà sản xuất con chíp lớn nhất Trung Quốc SMIC tuyên bố “rút chân” khỏi sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) vào cuối ngày đã cho thấy viễn cảnh ngược lại, về một sự xung đột thương mại chưa có dấu hiệu dừng lại.

“Chúng tôi vẫn hy vọng các nhà đàm phán sẽ thành công kết thúc chiến tranh thương mại, nhưng rõ ràng tình hình ngày một khó khăn. Có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận chung thống nhất” - ông Kate Warne - chiến lược gia đầu tư tại Edward Jones cho hay.

Quang cảnh tại sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)

Ông Masanari Takada - chiến lược gia tài sản tại Công ty Chứng khoán Nomura (Phố Wall) nhận định: “Mối quan ngại về suy thoái kinh tế, sự thận trọng của Cục Dự trữ liên bang FED trong chính sách tiền tệ cùng những biến động thị trường đầy bất ổn hồi cuối tháng 5 vừa qua là 3 yếu tố có khả năng thổi bùng làn sóng bán tháo trên thị trường”.

Ông Takada cũng lo ngại một làn sóng bán tháo thứ hai có nguy cơ đến ngay sau đó do các căng thẳng thương mại leo thang, cụ thể là xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Những động thái cứng rắn gần đây từ Washington và sự đáp trả của Bắc Kinh đã dấy lên làn sóng quan ngại rằng chiến tranh thương mại có thể kéo dài hơn nhiều so với dự kiến, thậm chí có nguy cơ dẫn đến sự suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trong khi Mỹ đang cân nhắc đưa 5 công ty công nghệ khác của Trung Quốc vào danh sách đen, Trung Quốc cũng ban hành một dự thảo an ninh mạng đe dọa “cấm cửa” các công ty Mỹ trên thị trường tỷ dân vì lý do an ninh quốc gia.

Đơn hàng dài hạn của Mỹ giảm 2.1% vào tháng trước cùng với sự suy giảm kim ngạch xuất khẩu. Nhà cung cấp thông tin toàn cầu IHS Markit chỉ ra hoạt động sản xuất của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 9 năm vừa qua. Đây rõ ràng là những “vết nứt” trong nền kinh tế Mỹ do tác động từ cuộc chiến tranh thương mại dai dẳng.

“Có vẻ như hiện tại, nguy cơ chiến tranh thương mại kéo dài là vấn đề lớn nhất khiến các nhà đầu tư đau đầu. Họ lo ngại ảnh hưởng của nó sẽ lan rộng toàn thế giới.” - Ông Mike Bailey, Giám đốc Nghiên cứu của FBB Capital Partners nhận định.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục