Chứng khoán thế giới lại lao đao trước nguy cơ xung đột Mỹ - Trung kéo dài

18/07/2019 09:49 GMT+7
Dow tụt 116 điểm còn chứng khoán Châu Á giảm nhẹ sau khi tuyên bố của Tổng thống Trump làm dấy lên quan ngại đàm phán Mỹ Trung đi vào bế tắc.

Chứng khoán Mỹ đã giảm vào hôm 17.7 khi các công ty tiếp tục công bố báo cáo kinh doanh quý II. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 115,7 điểm, tương đương 0,42%. Chỉ số S & P 500 lùi 0,65% xuống 2.984,42 điểm, dưới ngưỡng cao nhất mọi thời đại hôm thứ Sáu tuần trước. Chỉ số tổng hợp NASDAQ lùi 0,46% xuống 8.185,21.

Các cổ phiếu đều giao dịch ở mức thấp trong ngày sau khi tờ tạp chí phố Wall cảnh báo về tiến trình thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung bị đình trệ. Hôm 16.7, Tổng thống Trump cũng tuyên bố đàm phán có thể “là một chặng đường dài”, đồng thời đe dọa áp thuế bổ sung lên 325 nghìn tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Các bình luận được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đồng ý nối lại đàm phán thương mại nhưng chưa có kết quả nào rõ ràng.

Tập đoàn đường sắt CSX là cái tên tiếp theo công bố báo cáo kinh doanh quý II, với lợi nhuận yếu hơn dự báo, khiến cổ phiếu trượt 10% trong ngày - lần trượt giá lớn nhất kể từ năm 2008. Tập đoàn này cũng dự kiến doanh thu năm 2019 giảm khoảng 1-2%. Sau báo cáo của CSX, chỉ số Dow trong ngành vận tải đã giảm 3,6%.

Bank of America (BoA) công bố báo cáo kinh doanh vượt qua kỳ vọng, do lợi nhuận từ lĩnh vực tự doanh. Cổ phiếu BoA sau đó tăng 0,7%. Tuy nhiên, CFO của BoA cảnh báo việc FED giảm lãi suất sẽ khiến thu nhập lãi ròng của BoA có nguy cơ suy giảm.

Hãng hàng không quốc gia United Airlines cũng báo cáo doanh thu vượt qua dự đoán của các nhà phân tích, đồng thời đồng ý chi thêm 3 tỷ USD để mua lại cổ phiếu.

Cổ phiếu Cintas, một công ty chuyên cung cấp dịch vụ chuyên biệt cho doanh nghiệp Mỹ đã tăng 8% sau khi hộp dụng cụ sơ cứu tức thời đạt doanh thu bất ngờ, đưa lợi nhuận của công ty vượt xa kỳ vọng.

Theo thống kê của Factset, hơn 7% các công ty S&P 500 đã công bố báo cáo kinh doanh quý II, trong đó 85% các công ty cho thấy lợi nhuận hơn mức dự kiến. Tăng trưởng lợi nhuận bình quân rơi vào khoảng 3,1%.

Các nhà phân tích đã dự kiến lợi nhuận các doanh nghiệp trong S&P 500 sẽ giảm khoảng 3% trong quý II, một quý kinh tế ảm đạm. Nhưng Brad McMillan, giám đốc đầu tư của Commonwealth Financial Network lại cho rằng chính dự đoán tiêu cực này mới là động lực tạo đà cho sự tăng giá cổ phiếu một khi báo cáo kinh doanh cho thấy kết quả ngoài mong đợi. 

“Với các thị trường được kỳ vọng tăng trưởng chậm, việc tăng trưởng nhanh hơn dự kiến sẽ là làn gió mới. Với nền kinh tế được dự đoán một sự giảm tốc trong lợi nhuận, mức giảm ít hơn hoặc thậm chí là tăng sẽ tạo động lực không nhỏ”.

Trên thị trường Châu Á, cổ phiếu cũng bắt đầu trượt giá trước những áp lực từ xung đột thương mại.

Tại Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,71% trong khi Shenzhen Component giảm 1%.

Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng lùi 0,53%.

Chỉ số Nikkei 225 lùi 1,25% còn chỉ số Topix lùi 1,38% tại Nhật Bản. Kim ngạch xuất khẩu của Nhật đã giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 6, vượt quá mức giảm 5,6% được Reuters dự đoán.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,26% do cổ phiếu Celltrion lùi 1%. Ngân hàng Trung Ương nước này vừa tuyên bố giảm lãi suất 0,25%, xuống còn 1,5% do dữ liệu giảm tốc của nền kinh tế và xung đột thương mại giữa Seoul - Tokyo trong thời gian qua. 

Tại Úc, chỉ số S & P / ASX 200 giảm 0,27%. Dữ liệu việc làm mới công bố cho thấy tỷ lệ thất nghiệp nước này vẫn duy trì ở mức 5,2% trong tháng 6.

Chỉ số MSCI mở rộng ngoài thị trường Nhật Bản cũng giảm 0,24%. 

Các nhà đầu tư Châu Á giờ đây không chỉ thận trọng với xung đột thương mại Nhật - Hàn, mà còn quan ngại hơn bao giờ hết về nguy cơ thương chiến Mỹ - Trung kéo dài.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục