Donald Trump: Mỹ không có nguy cơ suy thoái, càng không muốn bán hàng cho Huawei

19/08/2019 11:15 GMT+7
Trả lời giới truyền thông Mỹ hôm 18.8, Tổng thống Donald Trump khẳng định ông không muốn bán hàng cho Huawei và cũng không nhìn thấy nguy cơ suy thoái kinh tế nào từ các diễn biến thị trường hiện tại.

Donald Trump: Không muốn bán hàng cho Huawei

Tổng thống Donald Trump tuyên bố hôm 18.8 trước giới truyền thông Mỹ rằng ông hiện không muốn hợp tác với gã khổng lồ công nghệ Huawei, sau khi tờ Reuters hồi cuối tuần đưa tin Bộ Thương mại đang lên kế hoạch gia hạn các giấy phép thương mại cho phép Huawei nhập khẩu công nghệ, linh kiện từ Mỹ.

“Tôi không muốn bán hàng cho Huawei vì nó gây ra mối đe dọa với an ninh quốc gia” - ông Trump chia sẻ. “Hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra. Tôi sẽ đưa ra quyết định vào ngày mai (tức 19.8 giờ Mỹ)”.

Hôm 17.8, tờ Tạp chí phố Wall và Reuters đồng thời dẫn nguồn tin nội bộ cho rằng Bộ Thương mại Mỹ đang xem xét gia hạn thêm thời hạn nới lỏng cấm vận cho Huawei thêm 90 ngày nữa, trong bối cảnh các giấy phép gia hạn cấp hồi tháng 5 sẽ kết thúc hiệu lực vào 19.8 này. 

Hồi tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách đen do hàng loạt cáo buộc gián điệp, vi phạm an ninh và chính sách ngoại giao quốc gia… Sau đó ít ngày, Bộ này bất ngờ nới lỏng cấm vận khi cấp giấy phép xuất khẩu đặc biệt có thời hạn 90 ngày cho một số công ty Mỹ tiếp tục làm ăn với Huawei, để đảm bảo danh sách đen không gây ra ảnh hưởng cục bộ đến các nhà cung cấp mạng vùng nông thôn Mỹ vốn đang phụ thuộc phần lớn vào công nghệ, thiết bị mạng Huawei. 

Hồi cuối tháng 6, tại cuộc gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, ông Trump đã gợi ý nới lỏng thêm cấm vận với Huawei nếu Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nông sản Mỹ. Nhưng Huawei vẫn sẽ nằm trong danh sách đen và vấn đề này sẽ được xử lý sau cùng, khi hai bên đàm phán xong xuôi thỏa thuận thương mại. Nhưng ông Trump sau đó cáo buộc Trung Quốc lật lọng, không mua nông sản Mỹ như đã hứa. Vị Tổng thống Mỹ tức giận đến nỗi áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc, dù hơn một nửa trong số đó sẽ được hoãn thuế đến sau 15.12 để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang như vậy, thật khó để chắc chắn rằng chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục gia hạn giấy phép xuất khẩu cho Huawei.

Nhà Trắng phủ nhận nguy cơ suy thoái kinh tế!

Cùng với những phát ngôn về Huawei, Tổng thống Trump hôm 18.8 còn gây chấn động với lời khẳng định ông không nhìn thấy rủi ro suy thoái kinh tế với nước Mỹ, bất chấp những biến động trên thị trường trái phiếu tuần qua.

“Tôi không nghĩ rằng chúng ta đang tiến đến bờ vực suy thoái” - ông Trump nhận định. “Nước Mỹ đang trong tình huống tốt đẹp. Người tiêu dùng giàu có. Chính phủ đã giảm thuế và chi tiêu tiêu dùng tăng”.

Hôm 14.8, lần đầu tiên kể từ năm 2005, đường cong lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 2 năm đã bất ngờ đảo nghịch sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp hơn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm. Diễn biến bất ngờ này đã giáng lên thị trường chứng khoán một đòn tâm lý mạnh mẽ, khiến Dow Jones giảm 800 điểm trong một ngày tồi tệ nhất năm, còn các nhà phân tích thì hoảng sợ vì một lời cảnh báo suy thoái đến gần.

Nhiều nhà kinh tế viện dẫn lịch sử khi cho rằng trong vòng 50 năm qua, mỗi lần đường cong lợi suất đảo ngược là một lần suy thoái kinh tế sắp đến, dù độ trễ có thể lên tới 22 tháng. Nhưng sau đó, những dữ liệu kinh tế tích cực được công bố hôm 15.8 như doanh số bán lẻ hay năng suất lao động tháng 7 tăng trưởng đều cho thấy sự khỏe mạnh của nền kinh tế Mỹ, phần nào khiến nhà đầu tư an lòng. Ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế Nhà Trắng khẳng định doanh số bán lẻ tăng trưởng trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tiệm cận mức thấp nhất mọi thời đại là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy kinh tế Mỹ vẫn phất lên giữa bất ổn thương mại.

Còn cố vấn thương mại Nhà Trắng, ông Peter Navarro lại khẳng định về mặt kỹ thuật, hiện tượng vừa qua không thể được gọi là đường cong lợi suất đảo ngược, mà giống với đường cong lợi suất phẳng hơn. Theo ông Navarro, đường cong lợi suất đảo ngược phải thể hiện sự chênh lệch rất lớn giữa lợi suất ngắn hạn và dài hạn. Nhưng ở trường hợp này, chênh lệch là rất nhỏ và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chỉ mất rất ít thời gian để khôi phục lại, vượt lên mức lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm. Theo ý của ông Navarro, thị trường không cần lo ngại một nguy cơ suy thoái đến gần, vì thực chất chẳng có đường cong lợi suất nghịch đảo nào cả.

Như vậy, cả hai cố vấn Nhà Trắng Kudlow và Navarro đều đang đẩy lùi mối quan ngại suy thoái kinh tế và bảo vệ quan điểm cứng rắn trong cuộc chiến thương mại của ông Trump.

Hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ cũng nhắc lại quan điểm chính Trung Quốc mới là kẻ đang ngấm đòn thuế quan chứ không phải Mỹ. Trung Quốc đang trả hàng chục tỷ USD tiền thuế, còn người tiêu dùng Mỹ gần như không bị ảnh hưởng. Giá cả hàng hóa tại Mỹ không tăng, thậm chí còn giảm. Ông bác bỏ quan điểm cho rằng người tiêu dùng Mỹ đang chịu tổn thương nặng nề từ chiến tranh thương mại. 

Đứng bên Tổng thống, cố vấn Larry Kudlow cũng khẳng định người nông dân và người tiêu dùng Mỹ không phải những nạn nhân bị ảnh hưởng lớn nhất của thương chiến. Trung Quốc mới là kẻ thất bại.

Ông Kudlow chia sẻ thêm, Mỹ đang dấn thân vào một cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc. “Chúng ta không thể để họ cướp đi vị thế siêu cường công nghệ - chìa khóa của phép màu tăng trưởng kinh tế Mỹ”. 

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục