Morgan Stanley: FED cắt giảm lãi suất sẽ khiến suy thoái kinh tế thêm trầm trọng?

24/07/2019 07:06 GMT+7
Các nhà kinh tế Morgan Stanley vừa đưa ra cảnh báo, việc cắt giảm lãi suất của FED giờ đây có thể là quá muộn để cứu nền kinh tế khỏi viễn cảnh suy thoái.

Bức tranh suy thoái ngày càng rõ nét

Thị trường việc làm nhiều khả năng sẽ là dấu hiệu cảnh báo suy thoái rõ nét nhất

Cho đến giờ, nguy cơ “thị trường gấu” (thị trường xuống dốc trong dài hạn) và suy thoái kinh tế tại Mỹ vẫn chưa quá rõ ràng. Nhưng khả năng tăng trưởng âm trong vòng 12 tháng tới là hoàn toàn có thể, và các nhà đầu tư nên hành động để chuẩn bị cho các diễn biến kinh tế tồi tệ nhất, nhà kinh tế học Ellen Zentner khẳng định.

Căng thẳng thương mại Mỹ Trung kéo dài nhiều khả năng sẽ dẫn đến các cuộc sa thải quy mô lớn và sự cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng - những yếu tố khởi đầu suy thoái kinh tế. Ellen Zentner nhận định xác suất xảy ra "thị trường gấu" lên tới 20%, nhưng có thể tăng lên theo diễn biến của xung đột thương mại. Một khi căng thẳng leo thang, tác động trực tiếp của trừng phạt thuế quan kết hợp với tác động gián tiếp từ chính sách tiền tệ thắt chặt trong suốt thời gian qua sẽ khiến người tiêu dùng giảm chi. Nhu cầu giảm, các tập đoàn sẽ bắt đầu sa thải công nhân, thực hiện mọi biện pháp cứu vãn suy giảm lợi nhuận. Sự bất ổn và suy thoái là bức tranh đã được cảnh báo.

Cú sốc cầu lớn này có thể khiến tăng trưởng kinh tế giảm từ mức dự kiến 2,2% năm 2019 xuống âm 0,1% năm 2020, mức suy thoái đáng quan ngại khi so sánh với tốc độ tăng trưởng 2,9% trong năm 2018.

Theo quan điểm thị trường, suy thoái có thể trở thành một cú hích lớn với giới đầu tư. Các lĩnh vực có tính chất phòng thủ bao gồm chăm sóc sức khỏe, hàng tiêu dùng… trong khi công nghiệp ô tô, linh kiện phần cứng công nghệ là lĩnh vực nhiều khả năng suy yếu hơn. Các nhà đầu tư nên tránh rót tiền vào cổ phiếu chu kỳ hay trái phiếu lợi tức cao, dù cho bẫy lợi nhuận cố định có thể khiến người ta lầm tưởng là một kênh đầu tư an toàn trong thời kỳ suy thoái.

Không có cuộc suy thoái nào báo trước 100%. Lịch sử cho thấy nhà đầu tư không nên chờ đợi suy thoái toàn diện rồi mới có chiến lượng phòng thủ trong phân bổ tài sản - nhà kinh tế học Zentner nhận định. Ví như một nhà đầu tư chuyển từ đầu tư trái phiếu sang cổ phiếu sau khi Cục Nghiên cứu kinh tế Quốc gia (NBER) xác nhận suy thoái kinh tế có thể sẽ bỏ lỡ lợi nhuận trái phiếu do lợi thế dẫn đầu trước ngày thông báo. Nhưng trong thực tế bối cảnh hiện tại, Zentner lại cho rằng thị trường nên chờ đợi khi NBER thực sự tuyên bố nền kinh tế rơi vào suy thoái. Đó là thời điểm tốt để mua vào, vì thị trường khi đó đã bắt đầu mở ra triển vọng phục hồi.

FED cắt giảm lãi suất: Viễn cảnh tươi sáng hay nguy cơ tồi tệ?

“Có rất nhiều dấu hiệu suy thoái để thị trường cảnh giác: từ sức mạnh tiêu dùng, các chỉ số sản xuất và tăng trưởng tổng hợp, tiền lương, báo cáo việc làm… Đó là những dấu hiệu đáng tin cậy.” - Zentner nhận định.

Không chỉ riêng Morgan Stanley, Cục Dự trữ Liên bang Chi nhánh New York, nơi đánh giá rủi ro suy thoái thông qua đo lường chênh lệch lãi suất trái phiếu chính phủ, cũng ước tính 33% khả năng suy thoái kinh tế trong 12 tháng tới - mức rủi ro cao nhất kể từ khi khủng hoảng tài chính kết thúc vào năm 2009.

Cục Dự trữ Liên bang dự kiến ​​sẽ phê duyệt cắt giảm lãi suất ít nhất 0,25% trong cuộc họp Ủy ban Thị trường mở tuần tới, động thái kỳ vọng sẽ giúp ngăn chặn sự giảm tốc của nền kinh tế trong bối cảnh bất ổn hiện tại. Thị trường thậm chí mong chờ cắt giảm 0,5%, sau khi Tổng thống Trump kêu gọi FED hạ lãi suất sâu hơn trên Twitter hôm 22.7.

Tuy nhiên, theo nhà kinh tế học Zentner, nỗ lực cắt giảm của FED chưa chắc đã đủ bù đắp áp lực trừng phạt thuế quan, điều có thể kéo cả nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái. Thậm chí, nhiều nhà phân tích tin rằng việc FED cắt giảm lãi suất nhiều khả năng sẽ làm trầm trọng thêm nguy cơ suy thoái.

“Một khi mức cắt giảm không đủ ngăn chặn rủi ro suy thoái, các tài sản rủi ro sẽ mất giá trị. Từng có trường hợp cổ phiếu Mỹ rớt giá 15-50% so với mức đỉnh trước khi suy thoái, dù FED có cắt giảm lãi suất” - Zenter viện dẫn lịch sử.

Steve Ricchiuto, nhà kinh tế học tại Mizuho America cũng đồng quan điểm cho rằng FED sẽ phạm sai lầm lớn nếu cắt giảm lãi suất cuối tháng 7 này. “Việc lạm phát thấp dưới mức mục tiêu 2% không phải lỗi của FED. Nó đã xảy ra trong nhiều thập kỷ. Vấn đề của nền kinh tế nằm ở sức mạnh các tổ chức tài chính”. Gần đây, các ngân hàng đã liên tục hạ dự báo tăng trưởng sau khi FED gợi ý một đợt cắt giảm lãi suất. Lãi suất thấp sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận ngân hàng, cụ thể là lợi nhuận mảng cho vay tín dụng.

Ricchiuto lập luận, trong ba cuộc suy thoái gần đây nhất vào các năm 1990-1991, 2000-2001 và 2007-2009, chính sách tiền tệ lỏng lẻo của FED đã vô tình làm hình thành bong bóng tín dụng. Và giờ đây FED dường như sắp lặp lại sai lầm thêm lần nữa. “Cắt giảm lãi suất sẽ kích thích nhu cầu vay, đi kèm với hàng loạt rủi ro không mong muốn có thể làm suy thoái trầm trọng hơn và nền kinh tế mất nhiều thời gian hơn để phục hồi”.

Ricchiuto chỉ ra rằng từ cuối thập niên 80 trở về trước, thị trường lao động có khả năng nhanh chóng hồi phục sau suy thoái, nhưng điều này đã thay đổi từ sau thập niên 90, với sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng tín dụng, gây nên sự tái cấu trúc tín dụng bắt buộc sau đó. Phải mất gần 2 năm, thị trường việc làm của Mỹ mới trở lại mức bình thường sau cuộc khủng hoảng năm 1990-1991. Rõ ràng, lãi suất thấp trong thời gian dài đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động tín dụng ngân hàng. 

Ngân hàng Trung Ương còn thất bại trong việc xóa bỏ tình trạng dư thừa thanh khoản sau cuộc suy thoái năm 2000-2001, dẫn đến khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ năm 1930, khiến thị trường việc làm mất tới 3 năm để phục hồi. Với khủng hoảng tài chính năm 2007-2009, thời gian phục hồi lên tới 5 năm.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục