Xúc tiến đầu tư tại London: Tiềm năng thị trường tài chính và cơ hội cổ phần hóa

06/07/2019 11:14 GMT+7
Ngày 4/7/2019 (theo giờ London), Hội nghị Xúc tiến đầu tư tài chính tại Anh Quốc đã chính thức diễn ra ở London. Hội nghị đã thu hút hơn 200 nhà đầu tư nước ngoài tham dự và thành công tốt đẹp.

Phát biểu trước đông đảo nhà đầu tư quốc tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng đã khái quát tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam, cũng như quan hệ hợp tác, thương mại Việt – Anh ngày càng tiến triển. 

"Mảng thị trường tài chính còn nhiều dư địa mới!"

Bộ trưởng cho biết, Vương quốc Anh hiện là nhà đầu tư FDI từ Châu Âu vào Việt Nam lớn thứ hai (sau Hà Lan) với 267 dự án có tổng vốn đăng ký 3,75 tỷ USD và là đối tác thương mại lớn thứ ba (sau Đức và Hà Lan). Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 của Việt Nam và Anh đạt 6,77 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017. Xét trên toàn cầu, Vương quốc Anh hiện là 1 trong 15 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, với tổng giá trị đầu tư ước tính 5 tỷ USD. 

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng nhận định Việt Nam là nền kinh tế mở với quy mô thương mại đạt 480 tỷ USD năm 2018, gấp đôi GDP, vốn FDI đăng ký cấp mới đạt 35,46 tỷ USD. Với quy mô dân số đang tiệm cận 100 triệu dân, trong đó 60% có độ tuổi dưới 35, Việt Nam có lợi thế về khả năng cung cấp một lực lượng lao động trẻ, dồi dào, có chất lượng với chi phí cạnh tranh. Cùng với đó, sự ổn định về chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô; sự cải cách thể chế luật pháp đang đưa Việt Nam trở thành điểm thu hút đầu tư hấp dẫn.

“Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa nền kinh tế cao và sẽ kiên định chính sách chủ động hội nhập quốc tế. Chúng tôi đang dần hiện thực hóa duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, phát triển bền vững, ổn định, xanh và sạch. Qua đó, tiếp tục giữ vị thế là quốc gia năng động, điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực ASEAN và tham gia sâu hơn, vươn lên cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chính phủ Việt Nam ghi nhận và đánh giá rất cao sự tin tưởng và sự hiện diện của các tập đoàn tài chính, các nhà đầu tư Anh quốc tại Việt Nam. Tuy nhiên, giá trị đầu tư trực tiếp gần 4 tỷ USD và đầu tư gián tiếp 1 tỷ USD chưa phản ánh đúng tiềm năng của Vương quốc Anh cũng như khả năng hấp thụ vốn đầu tư của thị trường Việt Nam. Như vậy, “mảng thị trường tài chính vẫn còn nhiều dư địa mới cho hợp tác giữa hai nước, và còn nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư Anh quốc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng mong rằng, sau diễn đàn này, các doanh nghiệp hai nước sẽ có thêm nhiều ý tưởng và dự án hợp tác mới để làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế cũng như quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Vương quốc Anh. 

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước - "cơn gió mới" cho nhà đầu tư

Tại hội nghị, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng đã có phần trình bày về tình hình và tiềm năng của công tác cổ phần hóa DNNN tới nhà đầu tư. Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, số lượng DNNN thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn còn rất lớn và đây là cơ hội dành cho nhà đầu tư. Theo đó, thời gian tới sẽ có thêm nhiều tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp lớn sẽ triển khai cổ phần hóa hoặc tiếp tục thoái vốn như: Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản; Tổng công ty Phát điện 2 của EVN, Tổng công ty Xi măng, Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Mobifone, Agribank,...

Trong phần thảo luận, ông Nguyễn Đức Chi – Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng đã cung cấp thêm tiến trình và một số giải pháp của SCIC trong việc tiếp tục thoái vốn tại các DNNN.

Trong phần thảo luận, ông Nguyễn Đức Chi – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng đã cung cấp thêm tiến trình và một số giải pháp của SCIC trong việc tiếp tục thoái vốn tại các DNNN.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đánh giá cao vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài và rất hoan nghênh các nhà đầu tư tham gia tiến trình cổ phần hóa Doanh nghiệp Việt Nam. “Trên thực tế, ngoài lượng vốn đầu tư, các thông lệ quản trị DN tốt, công nghệ cập nhật đi cùng và mở rộng thị trường cho DN cổ phần hóa sẽ giúp các DN của chúng tôi cải thiện chất lượng hàng hóa của thị trường” – Bộ trưởng nói.

Tiềm năng lớn từ thị trường chứng khoán

Cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa DNNN, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc phát triển một cách bền vững thị trường chứng khoán (TTCK). Mặc dù là một thị trường còn trẻ, nhưng TTCK Việt Nam đã đạt tốc độ phát triển tương đối nhanh. Vốn hóa thị trường cổ phiếu đã tăng gần 17 lần trong vòng 10 năm qua từ mức 22,7% GDP năm 2006 lên mức 78,5% GDP tính đến cuối tháng 6 năm 2019. Tính đến hết quý II/2019, mức vốn hóa thị trường đạt trên 189 tỷ USD, tăng 9,8% so với cuối năm 2018, tương đương 78,5% GDP.

Cùng với thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho Chính phủ, các ngân hàng chính sách, chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Huy động vốn của khối doanh nghiệp tư nhân thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp đã tăng 70% trong năm 2017 và trên 30% trong năm 2018 đạt 3,7 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có mức huy động vốn thành công nhất Đông Nam Á. 

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN phát biểu tại Hội nghị

TTCK phái sinh mặc dù mới ra đời từ tháng 8/2017 với sản phẩm giao dịch đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 nhưng đã có bước phát triển ấn tượng, tốc độ tăng trưởng khối lượng giao dịch bình quân/phiên năm 2018 gấp 7,2 lần so với năm 2017. “Tuần trước, sản phẩm chứng quyền có bảo đảm đã bắt đầu được giao dịch và đúng ngày hôm nay, sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ cũng sẽ được khai trương. Trong thời gian tới, TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu và giới thiệu thêm các loại sản phẩm mới...” – Bộ trưởng thông tin thêm.

Cùng với đó, TTCK Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Từ năm 2016 đến nay, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài liên tục vào ròng ở mức khá cao, trung bình 1,98 tỷ USD/năm. Bộ trưởng cam kết trong thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung sửa đổi Luật chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư hướng tới tạo nền tảng pháp lý thống nhất, thông thoáng nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, khơi thông dòng vốn trong nước và nước ngoài thông qua các giải pháp chính sách về nâng hạng TTCK Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng MSCI...

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, TTCK Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc công khai, công bằng, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư. Ông Dũng cũng tin tưởng và khẳng định, với tiềm năng và thế mạnh của TTCK Việt Nam trong bối cảnh của một thị trường năng động, bên cạnh chủ trương của Chính phủ Việt Nam đang tạo điều kiện hết sức thuận lợi để TTCK Việt Nam phát triển thành một thị trường tầm cỡ ở khu vực, Việt Nam hứa hẹn sẽ là địa điểm đầu tư, kinh doanh hấp dẫn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

PV
Cùng chuyên mục