Các kịch bản tiếp theo sau đòn thuế quan của Trump với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc

03/08/2019 16:49 GMT+7
Tuần lễ vừa qua là khoảng thời gian đầy biến động thương mại gây ra những thay đổi chóng mặt về triển vọng kinh tế toàn cầu.

Một góc vắng lặng của bến tàu tại Quảng Châu, Trung Quốc

Các nhà kinh tế đang tăng cường cảnh báo về hậu quả của thương chiến Mỹ Trung kéo dài, sau khi Bắc Kinh lên tiếng đe dọa trả đũa nếu Mỹ khăng khăng áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa nước này. Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump thì cảnh báo có thể tăng thuế lên 25% tùy theo diễn biến của thỏa thuận thương mại. Mức thuế quan ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, doanh nghiệp Mỹ với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng thị trường. 

Cổ phiếu đang trượt giá, chỉ số S&P 500 giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6 đến nay còn lợi suất trái phiếu kho bạc Nhà nước kỳ hạn 10 năm thì giảm xuống dưới 2%, còn 1,88%.Ước tính ban đầu của các nhà kinh tế Bloomberg cho thấy thuế quan của Mỹ có thể khiến GDP hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm 0,2% vào năm 2021.

Cũng trong lúc đó, thương chiến Nhật Hàn ngày càng căng thẳng khi Nhật Bản loại Hàn Quốc khỏi danh sách ưu đãi thương mại. Còn tại Châu Âu, những lo ngại đang gia tăng khi thời hạn Brexit ngày càng gần kề và Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo nguy cơ Anh dứt áo ra khỏi Liên Minh Châu Âu mà không có một thỏa thuận nào.

Dưới đây là những diễn biến thương mại nổi bật sau khi Trump tuyên bố áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc:

- Trung Quốc tuyên bố trả đũa nếu Trump tiến hành áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa nước này. Điều này có nguy cơ khiến giá cả hàng hóa leo thang, ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng Mỹ.

- Cố vấn kinh tế Nhà Trắng, ông Larry Kudlow gợi ý Trung Quốc nhập khẩu nông sản Mỹ để được đình chỉ đe dọa thuế quan 10%. 

- Goldman Sachs sau đó nhận định nhiều khả năng FED tiếp tục hạ lãi suất vào tháng tới, trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang. Phố Wall cũng cảnh báo về hậu quả của chiến tranh thương mại kéo dài. 

- Trung Quốc được cho là có thể áp dụng nhiều chính sách tài khóa và tiền tệ kích thích để chống lại những tổn thương của mức thuế quan mà Mỹ dự định áp đặt.

- Trong tháng 6 qua, thâm hụt thương mại Mỹ - Trung tăng nhẹ lên mức cao nhất trong 5 tháng vừa qua.

- Ông Trump và tân Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có cuộc hội đàm lần thứ hai kể từ khi ông Boris nhậm chức, theo đó, đồng ý hợp tác cả về thương mại và an ninh toàn cầu.

- Nhật Bản và Hàn Quốc liên tục leo thang căng thẳng thương mại thông qua kiểm soát xuất khẩu, gây ra rủi ro đe dọa chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

Các chuyên gia nói gì về chiến tranh thương mại leo thang?

Michael Zezas, chuyên gia kinh tế từ Morgan Stanley: “Nếu thuế quan mà Mỹ áp lên 300 tỷ USD hàng Trung Quốc tăng lên 25% và duy trì trong khoảng 4-6 tháng. nguy cơ suy thoái kinh tế sau 1 quý sẽ là rõ rệt. Nguyên nhân là khoảng 68% hàng hóa trong danh mục bị áp thuế cao là hàng tiêu dùng và ô tô, phụ tùng ô tô…, những mặt hàng có thể gây tác động tức thời đến nền kinh tế.

Cesar Rojas, nhà phân tích kinh tế từ Citi nhận định: “Nền tảng ổn định hiện tại của kinh tế Mỹ cho phép chính quyền Trump có lập trường mạnh mẽ trong chiến tranh thương mại, trong khi triển vọng cắt giảm lãi suất cũng đang củng cố cho lập trường này.” Ông thậm chí kỳ vọng mức thuế quan 10% với 300 tỷ USD hàng hóa sẽ có hiệu lực. “Quan ngại leo thang xung đột làm gia tăng sự bất ổn của thương mại, quan đó gây tổn hại đến dòng vốn đầu tư và khiến các công ty chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc.” Có thể thấy, quan điểm của Cesar Rojas khá gần gũi với những gì ông Trump dự kiến.

Jan Hatzius, nhà kinh tế từ Goldman Sachs thì cho rằng : “Vẫn còn 1 tháng trước khi mức thuế 10% có hiệu lực, chưa thể chắc chắn liệu chúng có được thực thi hay không khi mà Trump tuyên bố thuế quan có thể tăng hoặc giảm tùy theo diễn biến của đàm phán.” Ông cho biết sẽ theo dõi sát sao danh mục các mặt hàng bị áp thuế, mức thuế cũng như ngày thuế quan có hiệu lực.

Hatzius đồng thời lưu ý danh sách dự thảo các mặt hàng bị áp thuế tập trung vào hầu hết các lĩnh vực quan trọng như tiêu dùng và điện tử (quần áo, giày dép, đồ chơi, smartphone…). Nếu các công ty tăng giá sản phẩm để hạn chế ảnh hưởng của thuế quan, người tiêu dùng sẽ ngấm đòn thương chiến và Trump sẽ trở thành đối tượng chỉ trích sau những chính sách thương mại gây suy yếu tăng trưởng kinh tế.

Nhà kinh tế Goldman Sachs cũng tiết lộ có khoảng 70% cơ hội FED cắt giảm lãi suất 0,25%, 10% cơ hội cắt giảm lãi suất 0,5% và 20% cơ hội không cắt giảm trong tháng 9 tới. Có tới 90% cơ hội cắt giảm lãi suất thêm ít nhất 1 lần từ nay đến cuối năm.

Glenn Schorr, chiến lược gia kinh tế từ ISI Evercore nhận định: “Thị trường đã lao đao sau thông báo của Trump về một đợt thuế quan mới áp lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại. Nhưng chúng tôi hy vọng những tác động đó sẽ được bù đắp bằng sự nới lỏng chính sách tiền tệ rộng hơn, góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế. Hãy bình tĩnh theo dõi các diễn biến tiếp theo.”

Greg Valliere, nhà kinh tế học từ AGF Investments cho rằng: “Sau khi thất vọng vì FED chỉ cắt giảm lãi suất 0,25%, tổng thống Trump ngay lập tức quyết định thổi bùng chiến tranh thuế quan với Trung Quốc. Thông điệp của Trump đến FED rất rõ ràng: “Chiến tranh thương mại sẽ tác động lớn đến nền kinh tế trong nhiều tháng tới, hãy cắt giảm lãi suất nhiều hơn nữa”. Ông Greg nhận định đây là một canh bạc liều lĩnh của Trump, vì 3 nguyên nhân. Thứ nhất, không rõ việc FED cắt giảm lãi suất có đủ bù đắp cho những bất ổn xung đột thuế quan hay không. Thứ hai, không có gì đảm bảo Trump có thể đạt được thỏa thuận với Trung Quốc từ nay đến cuối năm, trước cuộc bầu cử 2020. Thứ ba, không chắc FED có tiến hành cắt giảm lãi suất sâu hơn ngay cả khi thuế quan có hiệu lực. Còn nhớ năm 2018, FED đã 4 lần tăng lãi suất bất chấp Mỹ dấn thân vào thương chiến với Trung Quốc.

Chiến lược gia Ed Mills từ Raymond James khẳng định: “Từ góc độ tâm lý thị trường, Trump có thể khởi động thương chiến nhưng không có động cơ gây ra tổn thương cho nền kinh tế trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Rõ ràng, xung đột thuế quan sẽ khiến FED phải suy nghĩ về chính sách tiền tệ lỏng lẻo hơn từ nay đến cuối năm.”

Ed Mills thừa nhận anh nhìn thấy sự lạc quan cho thỏa thuận và cả rủi ro leo thang xung đột từ mức thuế quan của ông Trump.

Các chuyên gia từ Raymond James tin rằng suy yếu đồng USD có thể là giai đoạn tiếp theo trong cuộc thương chiến của Trump. Tổng thống Mỹ đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc hạ giá đồng NDT để bù đắp các tác động thuế quan, khi mà các Ngân hàng Trung Ương khác cắt giảm lãi suất nhiều hơn FED. “Trump đang tìm cách điều chỉnh tỷ giá hối đoái” - Ed Mills nhận định. 

Brett Ryan, chiến lược gia từ Deutsche Banks khẳng định mức thuế 10% mà ông Trump vừa công bố đang làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm và tăng niềm tin FED sẽ cắt giảm lãi suất hơn 0,75% từ nay đến cuối năm.

Ông cũng nhận định mức thuế này sẽ tạo ra lực cản với tăng trưởng GDP của Mỹ trong tương lai do thuế áp lên nhiều mặt hàng tiêu dùng và điện tử quan trọng. “Điều khiến cho việc leo thang căng thẳng trở nên rủi ro là những hàng hóa có khả năng chịu thuế là các loại hàng hóa thiết yếu gồm smartphone, laptop, đồ chơi, màn hình điện tử… Các công ty công nghệ lớn như Apple có thể sẽ chịu tổn thương nặng nề.”

Thùy Dung
Cùng chuyên mục