Dân thiếu đất ở nhưng đất tâm linh thì có thừa

08/06/2019 11:49 GMT+7
“Nhập nhằng” giữa đất tâm linh và đất du lịch, cấp quá nhiều diện tích đất dành trong tâm linh trong khi đất sản xuất còn đang thiếu là một vấn đề mà các cử tri đã đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Nghèo thì không thể đi chùa

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà vào sáng ngày 5/6 vừa qua, đại biểu Quốc hội TP. HCM, ông Trương Trọng Nghĩa đã đề nghị Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lời về vấn đề có sự “nhập nhằng” giữa những dự án tâm linh và dự án du lịch. Ông còn chỉ ra rằng, có một số báo rút tít “nghèo mà không có tiền thì không đi chùa được đâu” vì có rất nhiều các khâu dịch vụ phải đóng tiền.

Đại biểu Quốc hội TP. HCM, ông Trương Trọng Nghĩa 

Ông Nghĩa cũng đặt ra vấn đề về tính hợp lý của việc phân bổ đất đai cho các dự án du lịch tâm linh. Việc đầu tư công được quản lý rất chặt, Điều 30 của Luật Đầu tư công quy định rất rõ về quản lý đất rừng phòng họ 30 ha trở lên, di dân từ 20.000 người trở lên… trong khi lại phân bổ cả 1.000 ha đất cho các dự án tâm linh.

Đặt ra câu hỏi đối với Bộ trưởng Hà rằng: Vấn đề quy hoạch những khu du lịch tâm linh với diện tích lớn vậy chúng ta có kiểm soát được không? Việc khai thác như vậy có công bằng và đúng pháp luật hay không?

Theo như Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, công trình tôn giáo phải được cấp phép xây dựng và hồ sơ phải có bản sao giấy tờ chúng nhận quyền sử dụng đất theo quy hoạch của Luật Đất đai, bản sao quyết định phê duyệt dự án, quyết định đầu tư theo thẩm quyền, văn bản chấp nhận về sự cần thiết công trình và quy mô xây dựng của cơ quản lý nhà về tôn giáo ở địa phương.

Có một số công cụ kiểm soát vấn đề này như Luật Du lịch có quy định phải lập quy hoạch về du lịch ở từng địa phương, Luật Đất đai quy định UBND cấp tỉnh phải căn cứ vào chính sách, tôn giáo của Nhà nước quy hoạch kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt để quyết định diện tích đất giao cho cơ sở tôn giáo, Luật Tín ngưỡng tôn giáo quy định việc cải tạo nâng cấp, xây dựng mới cơ sở tôn giáo công trình tín ngưỡng phải được thực hiện quy định theo cơ sở pháp luật về xây dựng.

Sắp tới sẽ có quy định cụ thể hơn để đảm bảo phân biệt rõ ràng đất dành cho mục đích tâm linh, đất dành cho du lịch và mục đích khác, để đảm bảo chặt chẽ việc quản lý, sử dụng đất và hiệu quả xử lý vấn đề về tài chính, đất liên quan.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, “Nếu các địa phương thực hiện đúng, đủ các quy định trên sẽ kiểm soát được khu du lịch tâm linh, tránh việc như đại biểu nêu.”.

Đại biểu Phạm Văn Hòa tỉnh Đồng Tháp cũng có chung ý kiến với đại biểu Nghĩa, “trên thế giới có nước nào như Việt Nam mà quy hoạch cả ngàn ha cho khu du lịch tâm linh như vậy không?”, đại biểu cũng đưa ra thực tế dự án đất tâm linh thì được cấp hàng ngàn hecta trong khi chúng ta thiếu đất sản xuất, đất thì hữu hạn.

Du lịch tâm linh cả nghìn ha

“Du lịch tâm linh” là một loại hình khá mới mẻ nhưng cũng đang được tiếp cận một cách nhanh chóng. Có thể hiểu loại hình này tập trung khai thác các yếu tố văn hóa tâm linh của địa phương, khu vực làm cơ sở, với mục tiêu nhằm thỏa mãn 2 nhu cầu của con người đó là vừa là nơi thờ tự, tín ngưỡng vừa là nơi có thể đi ngắm cảnh, thưởng ngoạn.

Những dự án đất tâm linh mới có quy mô xin cấp đất hàng nghìn ha đang khiến dư luận xôn xao như Khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao (tỉnh Hà Nam) 5.100 ha, Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên) 18.940 ha. Hai dự án này đều là dự án tâm linh có quy mô lớn của Công ty Xây dựng Xuân Trường, do ông Nguyễn Xuân Trường (hay còn gọi là tỷ phú Xuân Trường) làm chủ.

Khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao (tỉnh Hà Nam) 5.100 ha, 11.000 tỷ đồng

Những dự án “khủng” của tỷ phú Xuân Trường thường dao động từ 10.000 – 15.000 tỷ đồng với diện tích mỗi dự án lên tới hàng nghìn ha.

Đặc biệt, dự án Tam Chúc – Ba Sao (Hà Nam) mới gần đây đang nổi lên bởi quy mô lớn. Dự án này còn được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long trên cạn”, có mức đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng, với diện tích lên tới 5.100 ha (kích thước này gần bằng 300 sân vận động Mỹ Đình cộng lại). Trong đó, diện tích hồ nước 1.000 ha, núi đá tự nhiên rộng 3.000 ha và các thung lũng 1.100 ha.

Còn theo như Quyết định số 526/QĐ-TTg ngày 15/05/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Tam Chúc, tỉnh Hà Nam đến 2030 nêu rõ "Khu vực quy hoạch phát triển Khu DLQG Tam Chúc thuộc địa phận thị trấn Ba Sao và 03 thôn: Vồng, Khuyến Công và Khả Phong thuộc xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Diện tích vùng lõi ưu tiên tập trung phát triển Khu DLQG Tam Chúc là 4.000 ha.

Chuỗi những dự án nghìn tỷ với quy mô từ hàng trăm đến hàng nghìn ha vị tỷ phú này cũng trải dài tới rất nhiều tỉnh khác như Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) 2.500 ha, 15.000 tỷ đồng; Khu du lịch tâm linh Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) 1.000 ha, 15.000 tỷ đồng; Khu du lịch văn hóa tâm linh đảo Cái Tráp (Hải Phòng) 450ha, 9.800 tỷ đồng;…

Phương Thảo
Cùng chuyên mục