Ngân hàng đón đầu sự thay đổi

25/03/2019 19:23 GMT+7
Các công nghệ mới nổi, cũng như nhu cầu tiêu dùng và hành lang pháp lý thay đổi đang từng bước định hình lại ngành ngân hàng thế giới, trong đó có các nhà băng ở Việt Nam

Trao đổi với hai chuyên gia đến từ PwC là ông John Garvey, lãnh đạo toàn cầu về Tư vấn dịch vụ tài chính và ông Grant Dennis, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn PwC Việt Nam.

.

Ông John Garvey.

Ông có thể cho biết xu hướng mới nhất của ngành tài chính toàn cầu là gì? Việt Nam nằm ở đâu trong “cơn bão” này?

Ông John Garvey: Có 3 vấn đề nổi trội mà các ngân hàng đang tập trung.

Một là, các đối thủ cạnh tranh trên nền tảng công nghệ số và làm thế nào để đối phó với những thay đổi mạnh mẽ trên thị trường.

Hai là, làm thế nào để chuyển đổi được nhân sự hiện tại, khiến họ thích ứng được với thời đại số.

Ba là, tại nhiều thị trường, mối quan tâm lớn là làm thế nào để xây dựng lại được niềm tin giữa các ngân hàng, cơ quan quản lý và công chúng.

Có thể thấy, các ngân hàng đang nỗ lực rất nhiều để thực hiện chuyển đổi số. Đặc biệt là về phương diện con người. PwC đã và đang tư vấn cho nhiều ngân hàng truyền thống để chuyển đổi nhân sự của họ.

Ông Grant Dennis: Các xu hướng ở Việt Nam cũng khá tương đồng với các xu hướng trên thế giới. Có thể thấy, các ngân hàng đang đi theo xu hướng số hóa, áp dụng công nghệ mới để thay đổi các hoạt động của mình theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm, để cung cấp các dịch vụ nhanh chóng và chất lượng hơn.

Giống như xu hướng toàn cầu, an ninh mạng cũng là một thách thức lớn với các ngân hàng Việt. Hoạt động phòng, chống rửa tiền cũng tương tự. Có thể nói, các xu hướng tại Việt Nam không quá khác các xu hướng trên toàn cầu.

Fintech đang gây ảnh hưởng ra sao đến hệ thống ngân hàng? Các doanh nghiệp fintech là bạn hay thù của nhà băng, thưa ông?

Ông John Garvey: Trên thế giới có 3 xu hướng chính.

Thứ nhất, đa số các công ty fintech, thay vì trở thành đối thủ cạnh tranh, đang trở thành đối tác của các ngân hàng. Thông qua việc hợp tác này, các fintech sẽ gián tiếp chịu sự điều chỉnh của các quy định đang tác động đến ngân hàng. Ngân hàng có trách nhiệm đảm bảo tuân thủ trong suốt chuỗi giá trị, bao gồm cả những khâu mà fintech hoạt động.

Thứ hai, những công ty fintech không hợp tác với ngân hàng thì có xu hướng trở thành những ngân hàng số thuần túy. Khi đó, họ chịu sự điều chỉnh của các quy định như các ngân hàng truyền thống khác.

Thứ ba, tại một số quốc gia thì các cơ quan quản lý đang cấp các giấy phép đặc biệt cho hình thức “ngân hàng fintech”, cho phép họ cung cấp một số dịch vụ nhất định.

Tôi muốn đưa ra một ví dụ thực tế liên quan tới Apple Pay. Apple xác định rằng, họ không muốn bị áp các quy định pháp luật giống như là các ngân hàng, nên họ quyết định phải hợp tác với ngân hàng. Tương tự, các ngân hàng nhận ra rằng, Apple Pay sẽ không lấy đi nguồn doanh thu của họ, mà sẽ trở thành một kênh để thúc đẩy thêm các giao dịch thanh toán. Đây là một ví dụ cụ thể về việc ngân hàng và fintech đã quyết định hợp tác với nhau, mặc dù thoạt đầu họ không biết mình nên là đối thủ hay đối tác của nhau.

.

Ông Grant Dennis.

Vậy cụ thể tại Việt Nam, ngành fintech có triển vọng ra sao?

Ông Grant Dennis: Fintech đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm trong thời gian gần đây nhờ những đóng góp thúc đẩy các kênh thanh toán, tài chính cá nhân và đầu tư mới. Hành lang pháp lý cho hoạt động của các công ty fintech đang dần được hoàn thiện để các dịch vụ fintech có thể dễ dàng tiếp cận và đáng tin cậy hơn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã lập ra một ủy ban chỉ đạo về fintech để tạo điều kiện cho các công ty fintech phát triển.

Hiện tại, fintech ở Việt Nam đang ở một mức phát triển tương đối thấp so với các nước trong khu vực châu Á, thể hiện ở việc tại đây có ít các công ty khởi nghiệp fintech hơn. Một phần lý do là chưa có đủ vốn đầu tư đổ vào lĩnh vực này. Ngoài ra, fintech rất cần đến các công nghệ điện toán đám mây để hoạt động thực sự thành công, nhưng hiện nay vẫn còn có nhiều lo ngại liên quan tới bảo mật.

Ông John Garvey: Liên quan đến công nghệ điện toán đám mây, tôi cho rằng, vấn đề ở đây là làm thế nào để các cơ quan thanh tra giám sát chấp nhận việc sử dụng đám mây công cộng và làm thế nào để các ngân hàng biết cách kiểm soát và tăng cường bảo mật cho công nghệ đám mây. Chính vì vậy, việc gỡ bỏ các thông tin định danh các cá nhân, tổ chức ra khỏi dữ liệu lưu trữ trên đám mây là rất quan trọng. Ví dụ, gần đây, Cơ quan Tiền tệ Singapore đã cho phép các ngân hàng sử dụng đám mây công cộng với điều kiện là dữ liệu được nặc danh hóa. Những thay đổi như vậy sẽ đòi hỏi thêm nhiều nỗ lực hoàn thiện về cấu trúc - hạ tầng, thiết kế dịch vụ, đến các quy định về an ninh, an toàn thông tin.

Công nghệ đã bắt buộc các ngân hàng phải lấy khách hàng làm trọng tâm như thế nào?

Ông John Garvey: Có một số việc mà các ngân hàng trên thế giới đang làm để thực hiện mục tiêu lấy khách hàng làm trung tâm. Đầu tiên là ít tập trung vào sản phẩm hơn, hướng tới mô hình giá trị vòng đời khách hàng và điều chỉnh cấu trúc quản lý dựa trên mô hình này.

Thứ hai, các ngân hàng đang có xu hướng đặt tất cả các hình thức kênh phân phối dưới sự kiểm soát chung, từ giao dịch tại chi nhánh đến qua điện thoại hay thiết bị di động.

Thứ ba, các cơ quan quản lý tại nhiều quốc gia đang thúc đẩy sự công bằng và minh bạch trong các hoạt động cho vay, khiếu nại, tư vấn đầu tư… Tất cả những thay đổi này đòi hỏi sự kiểm soát tốt hơn, cũng như thay đổi về văn hóa và mô hình kinh doanh.

Cuối cùng là số hóa tập trung vào trải nghiệm của khách hàng. Việc tích hợp các fintech, hay tận dụng các mạng xã hội đều đã và đang cải thiện trải nghiệm của khách hàng, tăng cường mức độ dễ sử dụng và khả năng giải quyết các vấn đề.

Theo Báo Đầu tư
Cùng chuyên mục