Tổng Giám đốc hãng hàng không Vinpearl Air là người như thế nào?

23/08/2019 06:38 GMT+7
Trước khi về Vinpearl Air, ông Phan Xuân Đức đã có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành hàng không là cơ trưởng máy bay Boeing kỳ cựu của Vietnam Airlines.

Trong thông cáo mới nhất được hãng hàng không Vinpearl Air thuộc Tập đoàn Vingroup đã chính thức công bố nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Phan Xuân Đức trở thành Tổng giám đốc Vinpearl Air.

Trước khi về Vinpearl Air, ông Phan Xuân Đức đã có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành hàng không và một trong những cơ trưởng máy bay Boeing kỳ cựu của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Khi còn ở Vietnam Airlines ông Đức được biết đến với cương vị Phó Tổng giám đốc từ năm 2008 và nghỉ hưu vào cuối năm 2017.

Ông Phan Xuân Đức.

Hiện tại, Vinpearl Air do bà Nguyễn Thanh Hương (sinh năm 1972) làm người đại diện pháp luật cũng là người giữ chức Chủ tịch HĐQT. Vinpearl Air có 3 cổ đông gồm Công ty Phát triển du lịch VinAsia góp vốn 45%, ông Hoàng Quốc Thủy góp vốn 30% và ông Phạm Khắc Phương góp vốn 25%. Ông Phương từng giữ nhiều vị trí quan trọng tại Vingroup từ những ngày đầu thành lập.

Được biết, nhằm đáp ứng nhu cầu phi công ngày càng cao tại Việt Nam và trên thế giới, ngày 16/8, Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng không, thuộc Tập đoàn Vingroup công bố chính thức tuyển sinh khóa 1 với số lượng dự kiến 400 học viên phi công.

Ông Phan Xuân Đức, Tổng giám đốc Vinpearl Air thông tin, các học viên sau khi tốt nghiệp sẽ được Vinpearl Air bảo đảm việc làm, tuy nhiên học viên vẫn có thể tự do lựa chọn nơi làm việc tiếp theo, hoàn toàn không bắt buộc phải làm cho Vinpearl Air.

Học viên trúng tuyển trong kỳ tuyển sinh khóa 1 của Vinpearl Air sẽ trải qua 26 tháng đào tạo. Trong đó, thời gian học tại nước ngoài tại một trong các học viện đào tạo hàng đầu thế giới tại Mỹ hoặc Úc là 12 tháng để lấy bằng quốc tế PPL (Bằng lái máy bay tư nhân), CPL (Bằng lái máy bay thương mại) và chứng chỉ MEIR (Chứng chỉ vận hành máy bay đa động cơ).

Tiếp đó, học viên sẽ được học tại Việt Nam trong 14 tháng để lấy chứng chỉ ATPL (Chứng chỉ phi công vận tải hàng không), MCC (Chương trình huấn luyện “Phối hợp tổ bay nhiều thành viên”), JF (Bay làm quen trên máy bay phản lực).

Đặc biệt, huấn luyện chuyển loại và bay tích lũy kinh nghiệm là giai đoạn quan trọng để học viên phi công hoàn thiện kỹ năng, trở thành phi công của hãng hàng không. Sau khi tốt nghiệp, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ phi công tiêu chuẩn quốc tế FAA, CASA, CAAV và được Vinpearl Air đảm bảo việc làm.

Minh Hiếu
Tags:
Cùng chuyên mục