Xuất hiện một công ty chứng khoán bị đình chỉ toàn bộ hoạt động
Việc nhận quyết định đình chỉ này trong bối cảnh năm 2024, Chứng khoán HVS thông báo sẽ thực hiện tái cấu trúc toàn bộ khi Công ty đang tiến hành tăng vốn từ 50 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng, chuyển tụ sở công ty, cũng như kiện toàn bộ máy lãnh đạo cấp cao.
Dù có động thái tái cấu trúc mạnh mẽ như trên nhưng trên thực tế, Công ty đã "tê liệt" nhiều năm nay.
Nhìn lại hồi tháng 8/2018, UBCKNN đã rút nghiệp vụ môi giới của HVS. Lần lượt từ tháng 9/2018 và tháng 11/2018, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã chấm dứt tư cách thành viên đối với Công ty.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 3/12/2018, Công ty bị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (nay là Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam) thu hồi giấy chứng nhận thành viên lưu ký.
Chứng khoán HVS "thay máu" hàng loạt lãnh đạo
Trong ĐHĐCĐ bất thường năm 2024, HVS vừa miễn nhiệm và bổ nhiệm một loạt lãnh đạo. Theo đó, bà Văn Lê Hằng được bổ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT thay cho bà Trương Thị Hồng Nga. Thành viên HĐQT và Ban kiểm soát cũng được thay mới hoàn toàn.
Ở chiều ngược lại, ĐHĐCĐ thông qua bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT gồm bà Văn Lê Hằng, bà Nguyễn Thị Thủy, ông Trịnh Bình Long và 3 thành viên BKS là bà Mai Ngọc Anh, ông Dư Bá Phước, bà Ngô Thị Hồng Nhung.
Cùng với đó, ông Tiền Quốc Việt được bổ nhiệm Tổng giám đốc thay bà Phạm Thị Giang. Nhân sự công ty tại ngày 30/6/2024 chỉ vỏn vẹn 6 người.
Chứng khoán HVS đang kinh doanh ra sao?
Trong báo cáo tài chính bán niên 2024 sau kiểm toán, Chứng khoán HVS ghi nhận doanh thu hoạt động giảm tới một nửa so với cùng kỳ năm trước, từ gần 414 triệu đồng xuống còn hơn 201,4 triệu đồng. Được biết, đây toàn bộ đến từ lãi tiền gửi có kỳ hạn của Công ty.
Doanh thu hoạt động tài chính là điểm sáng duy nhất trong báo cáo kết quả kinh doanh khi khoản mục này tăng 329,1% lên hơn 1,2 triệu đồng.
Chi phí quản lý công ty chứng khoán tăng 45% lên hơn 258,6 triệu đồng.
Kết quả Công ty báo lỗ hơn 265,7 triệu đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 203 triệu đồng.
Trong năm 2024, Chứng khoán HVS lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần dự kiến đạt 20 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 10 tỷ đồng. Với kết quả trên, Công ty còn cách rất xa kế hoạch có lãi trong năm.
Kể từ khi Chứng khoán HVS thực hiện công bố thông tin (năm 2009) tới nay, Công ty ghi nhận đã có tới 11 năm báo lợi nhuận âm. Đỉnh điểm của khoản lỗ là ngay năm 2009 với con số hơn 7,2 tỷ đồng nhưng mức lãi cao nhất của Công ty ghi nhận được lại chỉ vỏn vẹn 1 tỷ đồng (năm 2014).
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Chứng khoán HVS có gần 11 tỷ đồng, giảm 2,7% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền chiếm 97% tổng tài sản, tương đương hơn 10,6 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này đều là khoản tiền gửi có kỳ hạn 3 tháng với lãi suất 3%/năm tại VPBank.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của Công ty có hơn 62,9 triệu đồng, toàn bộ khoản nợ đến từ nợ ngắn hạn. Hiện tại, Công ty có hơn 10,8 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và hơn 39,3 tỷ đồng lỗ lũy kế.
Chứng khoán HVS được cấp phép thành lập và hoạt động theo Giấy phép của UBCKNN cấp ngày 15/12/2008, với các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán: Môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, tư vấn tài chính doanh nghiệp.
Từ khi thành lập đến nay, HVS đã có 3 lần đổi chủ. Đầu tháng 12/2020, ông Đường Văn Tài, ông Hoàng Nguyễn Thanh Hùng và ông Phạm Ngọc Chiến đã chuyển nhượng cổ phần cho 3 cá nhân khác là các ông Lê Hồng Anh, Nguyễn Toàn Thắng và Nguyễn Đình Đại. Tổng số cổ phần chuyển nhượng là 5,02 triệu cổ phiếu, tương đương 100% vốn điều lệ của HVS.