Chuyên gia: 'Nên giữ ổn định việc sát hạch lái xe'
Nhiều chuyên gia cho rằng việc đào tạo, sát hạch lái xe được ngành giao thông quản lý ổn định nhiều năm nay, không nên chuyển sang Bộ Công an vì "có thể gây xáo trộn".
Dự thảo Luật bảo đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay (dự kiến tháng 10) đưa ra hai phương án về vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.
Theo đó, phương án một đưa vấn đề trên vào quy định trong dự thảo Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ; nghĩa là sẽ chuyển công tác quản lý đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an phụ trách.
Phương án hai, giữ như hiện hành, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tiếp tục điều chỉnh vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, cho hay trước năm 1995, Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Năm 1995, Chính phủ ban hành nghị định 36 chuyển toàn bộ lĩnh vực này sang Bộ Giao thông Vận tải.
"Lúc đó, một số vấn đề không thuộc mảng quốc phòng, an ninh và đủ điều kiện dân sự hóa được chuyển cơ quan quản lý, để Bộ Công an tập trung hơn vào nhiệm vụ chính", ông Quyền nói.
Theo ông Quyền, một lĩnh vực quản lý nhà nước chuyển đi, chuyển lại giữa hai bộ là không cần thiết, có thể gây xáo trộn và ảnh hưởng đến người dân trong khi chưa thể khẳng định cơ quan nào quản lý sẽ tốt hơn.
Hiện nay ngành giao thông vận tải phụ trách sát hạch bằng lái, quản lý tài xế và phương tiện; còn cảnh sát giao thông tuần tra, xử phạt vi phạm hành chính; như vậy là hai bộ quản lý hai lĩnh vực, vừa hỗ trợ, vừa giám sát lẫn nhau. "Nếu tập trung vào một đầu mối có thể không đảm bảo tính khách quan", ông Quyền nêu vấn đề.
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam, cũng băn khoăn, khi việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy pháp lái xe và kiểm tra, xử lý đều do một đơn vị phụ trách là Bộ Công an thì "cơ quan nào sẽ giám sát?".
Ông Thanh nêu ý kiến, đào tạo và sát hạch bằng lái xe là lĩnh vực dân sự nên để cơ quan dân sự phụ trách, còn lực lượng vũ trang tập trung vào chức năng, nhiệm vụ theo quy định hiện hành, trong đó có công tác tuần tra, xử lý vi phạm.
"Chúng ta cần khảo sát xem hệ thống đào tạo, sát hạch hiện nay như thế nào để đưa ra kết luận khoa học, không thể nói đơn giản là để cơ quan nào làm thì hiệu quả hơn. Thực tế ngành công an đã quản lý lĩnh vực này 30 năm trước khi chuyển giao cho ngành giao thông vào năm 1995, khi đó số vụ tai nạn hàng năm nhiều hơn hiện nay", ông Thanh nói.
Vị chuyên gia lo ngại, khi tiếp nhận công tác sát hạch bằng lái thì Bộ Công an phải tăng thêm cán bộ quản lý, trong khi đó Sở Giao thông Vận tải ở các tỉnh lại thừa nhân sự phụ trách việc này. "Các cán bộ ngành giao thông không dễ chuyển sang lực lượng vũ trang. Việc chuyển đổi có thể gây xáo trộn về công tác cán bộ hàng loạt đơn vị", ông Thanh nhận định.
Ngoài ra, ông Thanh cho rằng Luật giao thông đường bộ hiện bao gồm 4 nội dung về kết cấu hạ tầng, quy tắc giao thông, phương tiện và người lái, "người dân chỉ xem một luật là hiểu được, nếu tách ra sẽ gây khó khăn cho họ trong việc nghiên cứu các điều khoản liên quan".
TS Phan Lê Bình (Cơ quan Hợp tác quốc tế Jica - Nhật Bản) đồng tình với quan điểm trên và cho rằng, việc quản lý đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe đang vận hành ổn định, nếu chuyển giao từ bộ này sang bộ khác có thể tốn một khoản ngân sách nhất định.
"Việc này liên quan đến hàng triệu người dân, cần tránh những xáo trộn có thể dẫn đến tăng chi phí khi người dân đi học học lái xe và tham gia sát hạch bằng lái", ông Bình nói.
Lý giải đề xuất quy định việc sát hạch giấy phép lái xe trong dự thảo Luật bảo đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đại tá Đỗ Thanh Bình - Cục phó Cảnh sát giao thông, nói qua phân tích nguyên nhân gây tai nạn đường bộ, lỗi vi phạm của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ. Tuy nhiên, trong nhiều vụ tai nạn, trách nhiệm chủ yếu thuộc về tài xế mà chưa gắn trách nhiệm của các cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái.
Do vậy, Bộ Công an đề xuất tách riêng phần đào tạo, quản lý, sát hạch lái xe để Bộ quản lý và chịu trách nhiệm chính; còn Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung đầu tư phát triển, xây dựng, quản lý kết cấu hạ tầng, phát triển các tuyến đường mới.
"Đề xuất này đã được Chính phủ thông qua và lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đồng thuận", đại tá Bình nói.
Đại diện Cục CSGT khẳng định việc chuyển giao cơ quan quản lý không ảnh hưởng đến người đã được cấp giấy phép lái xe. Tài xế tiếp tục sử dụng giấy phép lái xe đang có hiệu lực; việc thay đổi hệ thống giấy phép lái xe theo luật mới (nếu được Quốc hội thông qua) chỉ thực hiện đối với các trường hợp cấp đổi, cấp lại, do đó không phát sinh kinh phí và thủ tục hành chính.
Khi nhận nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Bộ Công an sẽ phân thành 3 cấp quản lý với tổng số 783 đơn vị trực tiếp làm công tác đào tạo, sát hạch, cấp và quản lý giấy phép lái xe (hiện Bộ Giao thông Vận tải có 64 đầu mối), gồm Cục Cảnh sát giao thông, 63 Phòng Cảnh sát giao thông và 719 công an cấp huyện.
Hiện cả nước có 463 cơ sở đào tạo lái xe môtô, 339 cơ sở đào tạo lái xe ôtô, 135 trung tâm sát hạch lái xe ôtô thuộc các bộ, ngành và địa phương. Điều này giúp người dân thuận tiện, dễ dàng hơn trong việc tiếp cận học và lấy giấy phép lái xe. Đến nay, bằng lái của Việt Namđược 70 nước thừa nhận. Việc cấp đổi giấy phép được thực hiện dịch vụ công ở cấp độ 4.
Đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ sát hạch giấy phép lái xe khoảng 2.300 người. Trong số này có 600 cán bộ, công chức quản lý, 1.700 công chức, viên chức là sát hạch viên.