Chuyển từ trồng lúa sang ngô, mỗi năm thu về 300 triệu đồng
Chuyển đổi cây trồng, giảm thiểu rủi ro
Gia đình ông Nguyễn Văn Duân (ở thôn Nam Thanh, xã Nâm N’đir, huyện Krông Nô, Đắk Nông) có 5 sào đất tại cánh đồng thôn Nam Xuân (xã Nâm N’đir). Những năm gần đây, trên cánh đồng này, nguồn nước tưới cho cây lúa vụ đông xuân thường bị thiếu hụt, nên hiệu quả không cao. Do đó, ông Duân đã chủ động chuyển từ sản xuất lúa sang trồng ngô, rau xanh.
"Trồng ngô, các loại rau quả như cà tím, bí đỏ… nhu cầu nguồn nước ít hơn trồng lúa. Trong điều kiện trồng lúa bấp bênh về nguồn nước, trồng ngô, rau quả sẽ giảm thiểu được rủi ro, thu nhập không thu kém gì trồng lúa"- ông Ông Duân nói.
Cũng trên cánh đồng thôn Nam Xuân, những năm qua có không ít hộ cũng cải tạo lại những chân ruộng cao bằng cách lên luống, tạo rảnh thoát nước tốt để trồng cam, quýt. Những vườn cam, cây quýt được vun luống, trồng nổi gốc trên mặt đất đã tỏ ra thích hợp với điều kiện đất đai, chăm sóc ở đây nên sinh trưởng, phát triển khá tốt.
Gia đình ông Bùi Ngọc Ánh (thôn Quảng Hà, xã Nâm N’đir) có 3 ha đất tại cánh đồng Đắk Rền. Cũng như cánh đồng thôn Nam Xuân, những năm gần đây cánh đồng Đắk Rền liên tục gặp phải tình trạng hạn hán vào mùa khô. Do đó, ông Ánh đã chủ động chuyển đổi từ sản xuất lúa sang trồng khoai lang, bắp. Nhờ việc chuyển đổi này, ông Ánh không còn lo thiếu nước tưới. Không chỉ thế, so với việc trồng lúa bấp bênh khi hạn hán, việc chuyển sang trồng các hoa màu khác đã giúp gia đình ông Ánh có thu nhập cao hơn. Hiện trung bình mỗi năm ông Ánh thu được 300 triệu đồng từ 3ha đất này.
Theo ông Nguyễn Thiện Chân, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Phát triển Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, không chỉ ở Krông Nô mà hiện nay hầu hết nông dân tại các vùng có nguy cơ hạn hán cao như Tuy Đức, Cư Jút, ngay từ đầu mỗi vụ, ngành nông nghiệp đã chủ động hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp.
Ngành nông nghiệp cũng chủ động hướng dẫn kỹ thuật canh tác đối với những loại cây trồng mới cho nông dân. Nhờ đó, hầu hết diện tích đất chuyển đổi được nông dân sản xuất các loại cây ngắn ngày đạt hiệu quả khá cao.
Bên cạnh việc chuyển đổi cây trồng, nông dân các địa phương cũng chủ động chuyển đổi cơ cấu giống đạt kết quả tích cực. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh, cơ cấu giống vụ đông xuân 2020 – 2021 ổn định hơn so với năm trước, người dân sử dụng đa dạng các loại giống, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và yêu cầu của thị trường.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô cũng cho biết, những năm qua, người dân đã từng bước chủ động trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều nhất là ở vụ đông xuân, hè thu, ước tính mỗi năm có hàng trăm ha.
Hiện nay, địa phương đang tích cực vận động bà con sản xuất theo hướng chuyển đổi đồng loạt một cây trồng, một giống nhằm đồng bộ với kỹ thuật, chăm sóc, đồng thời áp dụng các kỹ thuật tưới tiết kiệm nước. Mục tiêu huyện hướng tới là tạo sản phẩm đồng đều và chất lượng tốt hơn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Cư Jút cho biết, thực tế tại các vùng sản xuất xảy ra tình trạng thiếu nước tưới phải bỏ vụ, năng suất cây trồng thấp thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng những năm qua đã chứng minh là phù hợp.
Tại một số cánh đồng thường xuyên có nguy cơ thiếu nước cao ở các xã Đắk Rông, Cư K’nia, Nam Dong..., việc chuyển đổi cây trồng bước đầu đã tạo được một số hiệu ứng tích cực, nhất là mở ra hướng đi mới từ quảng canh, thu nhập thấp sang luân canh có thu nhập cao, tiết kiệm nước.
Gắn sản xuất với tiêu thụ
Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Krông Nô, cũng nhận định, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong những năm qua tại địa phương đã giúp nông dân tiết kiệm được nguồn nước tưới, tăng thu nhập và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Tuy nhiên, trong thời gian tới cùng với việc đa dạng hóa cây trồng, nông dân cần chú trọng đầu ra sản phẩm.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Nông, những năm qua, nông dân trên địa bàn đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngắn ngày, hạn chế phần nào tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp do thiếu nước sản xuất, bỏ vụ.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi đất trồng lúa còn gặp những khó khăn, thách thức như còn phụ thuộc vào điều kiện thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản. Diện tích chuyển đổi gắn với liên kết doanh nghiệp để sản xuất- tiêu thụ còn hạn chế, chưa chủ động được đầu ra và giá cả sản phẩm. Cùng với đó, diện tích sản xuất còn nhỏ lẻ, nông dân chưa mạnh dạn chuyển đổi, thâm canh sang cây trồng khác.
Do đó, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp, các địa phương sẽ tăng cường các giải pháp, xây dựng kế hoạch khuyến khích chuyển đổi cây trồng với diện tích lớn hơn, nhằm hình thành các vùng sản xuất tập trung, hàng hóa.
Cũng theo Sở Nông nghiệp - PTNT Đắk Nông, năm 2021, ngành nông nghiệp sẽ cùng các địa phương tiếp tục vận động người dân chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác như: bắp, khoai lang, đậu, rau xanh...
Đồng thời, tùy theo thực tiễn trên từng cánh đồng việc chuyển đổi cây trồng sẽ được vận dụng linh hoạt nhằm tạo ra hiệu quả kinh tế cao nhất cho người dân. Cùng với đó, việc chuyển đổi cơ cấu giống cũng được ngành nông nghiệp chú trọng với những giống mới có phẩm chất tốt như chống chịu với sâu bệnh, thích nghi với biến đổi khí hậu, thời gian sinh trưởng ngắn, cho năng suất cao... Chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ giúp người dân giảm bớt những ảnh hưởng của thời tiết, bảo đảm thu nhập, ổn định đời sống.