Cơ hội lớn cho Trung Quốc soán ngôi Mỹ, tăng gấp đôi quy mô kinh tế vào năm 2035

28/02/2021 15:52 GMT+7
Một nhà kinh tế từ Ngân hàng Trung Ương Mỹ nhận định Trung Quốc đang đứng trước cơ hội rộng mở để hoàn thành mục tiêu tăng gấp đôi quy mô GDP vào năm 2035, qua đó soán ngôi Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Hồi tháng 11/2020, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh tham vọng tăng gấp đôi quy mô GDP quốc gia và thu nhập bình quân đầu người của đất nước vào năm 2035. Mục tiêu này đòi hỏi Trung Quốc duy trì mức tăng trưởng bình quân 4,7% trong 15 năm tiếp theo, điều mà một số nhà phân tích cho rằng khó có khả năng đạt được. Nhưng bà Helen Qiao, trưởng bộ phận kinh tế châu Á tại BofA Global Research nhận định rằng nếu cải cách đúng hương, Trung Quốc có cơ hội lớn để hoàn tất mục tiêu này.

“Tôi nghĩ rằng Trung Quốc có cơ hội đạt được điều đó” - bà Helen Qiao trả lời phỏng vấn tờ CNBC trong tuần này. Ngoài việc tăng gấp đôi quy mô GDP, gã khổng lồ kinh tế châu Á cũng được dự báo sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào khoảng năm 2027 - 2028, bà Helen Qiao dự đoán.

Cơ hội lớn cho Trung Quốc soán ngôi Mỹ, tăng gấp đôi quy mô kinh tế vào năm 2035 - Ảnh 1.

Cửa sáng để Trung Quốc tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế vào năm 2035

Trung Quốc là một trong số ít nền kinh tế trên toàn cầu ghi nhận tăng trưởng kinh tế dương vào năm 2020 bất chấp những thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra. Dữ liệu được chính phủ công bố cho thấy Trung Quốc đạt tăng trưởng GDP 2,3% trong năm 2020. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thì dự báo mức tăng trưởng lên tới 8,1% trong năm 2021. Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ chứng kiến GDP -3,5% trong năm 2020 và được dự báo tăng trưởng 5,1% trong năm 2021, theo IMF.

Trong một bát cáo vào đầu tháng 2/2021, bà Helen Qiao đã đề cập đến những thách thức mà Trung Quốc có thể gặp phải trên con đường đạt đến các mục tiêu kinh tế được chính quyền ông Tập xây dựng cho năm 2035. Trong đó có 3 thách thức lớn mà các nhà quan sát theo chủ nghĩa hoài nghi thường viện dẫn:

Một là cơ cấu dân số ngày càng già đi ảnh hưởng lớn đến mức tăng trưởng tiềm năng của đất nước, do tác động mạnh đến cơ cấu lao động và sự phân bổ nguồn lực, phúc lợi xã hội.

Hai là tỷ lệ nợ trên GDP cao đe dọa sự ổn định kinh tế.

Ba là mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư không bền vững và khó có khả năng duy trì tăng trưởng cao trong dài hạn.

Theo báo cáo của bà Helen Qiao, nhưng thách thức này có thể làm chậm lại quỹ đạo tăng trưởng chung của Trung Quốc, nhưng khó làm trật bánh lộ trình tăng trưởng đó. Nguyên nhân là chính phủ Bắc Kinh hiện đã xúc tiến các giải pháp chính sách để giải quyết những mối lo ngại này, bao gồm tập trung ổn định nợ và các sáng kiến thúc đẩy quá trình đô thị hóa hay mở cửa khu vực dịch vụ.

Tất nhiên, hành trình đi đến mục tiêu năm 2035 của Trung Quốc không phải là không có rủi ro, bà Qiao cho hay. Ngay cả khi Trung Quốc thực hiện thành công các đổi mới này, vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro mà Bắc Kinh không thể kiểm soát, chẳng hạn như căng thẳng Mỹ Trung leo thang dưới thời chính quyền Trump và có nguy cơ kéo dài trong nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo của Tổng thống Biden.

Kể từ khi nhậm chức đến nay, ông Biden liên tục đưa ra các phát ngôn khẳng định sẽ duy trì quan điểm và chính sách mạnh tay với Trung Quốc. Tôi sẽ không làm theo cách của Trump. Chúng tôi sẽ tập trung vào các quy tắc quốc tế mang tính đa phương… Chúng tôi không cần khơi mào xung đột, nhưng sẽ có sự cạnh tranh gay gắt” - Tổng thống Biden tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với CBS News hồi  đầu tháng 2. “Chúng tôi sẽ đối mặt với sự lạm dụng kinh tế của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ duy trì quan điểm Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ… Nhưng chúng tôi sẵn sàng làm việc với Bắc Kinh chừng nào Washington muốn làm như vậy. Chúng tôi sẽ cạnh tranh từ một vị thế mạnh mẽ hơn bằng cách hợp tác với các đồng minh của Mỹ”.


NTTD
Cùng chuyên mục