Cổ phiếu ABS của Dịch vụ nông nghiệp Bình Thuận ra khỏi diện kiểm soát
Trước đó, ngày 5/5/2023, HoSE quyết định đưa cổ phiếu ABS vào diện kiểm soát từ ngày 12/5/2023 do chậm nộp Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 30 ngày so với thời hạn quy định.
Dịch vụ nông nghiệp Bình Thuận cho biết, việc chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2022 là do việc thay đổi đơn vị kiểm toán và thực hiện trong thời gian ngắn nên khó khăn cho việc thu thập các chứng từ liên quan một cách nhanh chóng dẫn đến việc công ty chậm nộp báo cáo tài chính năm theo dự kiến.
Đến ngày 31/1/2024, công ty cho biết đã thực hiện việc công bố thông tin, lập BCTC các quý và BCTC kiểm toán bán niên theo đúng quy định.
Do CTCP Dịch vụ nông nghiệp Bình Thuận đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị kiểm soát căn cứ theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 38 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, HoSE quyết định đưa cổ phiếu ABS ra khỏi diện kiểm soát.
Kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động, công ty giải trình gì?
Tại báo cáo tài chính năm 2023 của CTCP Dịch vụ nông nghiệp Bình Thuận được kiểm toán bởi Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn tài chính kế toán và Kiểm toán Nam Việt (AASCN), đơn vị kiểm toán đã đưa ra nhấn mạnh với thuyết minh số V.18 và VII.10 của công ty.
Cụ thể, báo cáo tài chính đã được lập với giả định rằng công ty sẽ tiếp tục hoạt động trên cơ sở hoạt động kinh doanh liên tục. Nhưng vào ngày 31/12/2023, Dịch vụ nông nghiệp Bình Thuận đã trình bày các khoản gốc vay và lãi vay đã quá hạn thanh toán (theo hợp đồng gốc) với giá trị lần lượt là 536,2 tỷ đồng (gốc vay) và 39,3 tỷ đồng (lãi vay).
Tuy nhiên, những khoản gốc và lãi vay này đã được ngân hàng gia hạn thời hạn thanh toán thêm 12 tháng so với hợp đồng gốc ban đầu. Do đó, kiểm toán AASCN cho rằng có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Trước ý kiến nhấn mạnh của kiểm toán AASCN, Dịch vụ nông nghiệp Bình Thuận giải trình, năm 2023 do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nên nhiều ngành nghề bị suy giảm doanh thu, trong đó có nông nghiệp nên một số vùng, nông dân giảm diện tích trồng, giảm đầu tư,... dẫn đến nhu cầu phân bón giảm... Điều này dẫn đến Dịch vụ nông nghiệp Bình Thuận cũng như một số khách hàng lớn của công ty cũng không ngoại lệ.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định vượt qua giai đoạn khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư số 02/2023 ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhanh Ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời gian trả nợ.
Trên tinh thần của Thông tư 02/2023, Ngân hàng đã đồng ý cho Công ty được gia hạn thanh toán gốc và lãi thêm 12 tháng so với hợp đồng gốc ban đầu để doanh nghiệp sử dụng một phần số vốn dự định trả cho ngân hàng để phát triển kinh doanh.
Đáng chú ý, tại báo cáo tài chính sau kiểm toán, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Dịch vụ nông nghiệp Bình Thuận không thay đổi so với báo cáo tự lập, ở mức 1.025,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi sau trước thuế và sau thuế lần lượt "bốc hơi" 38% và 60% so với báo cáo tự lập, tương ứng đạt 22,2 tỷ đồng và 8,2 tỷ đồng sau kiểm toán.
Dịch vụ nông nghiệp Bình Thuận cho biết, nguyên nhân chênh lệch lợi nhuận chủ yếu so kiểm toán trích lập thêm dự phòng nợ khó đòi.
Ngày 19/3/2024, HĐQT CTCP Dịch vụ nông nghiệp Bình Thuận đã thông qua việc gia hạn thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 không chậm hơn ngày 30/6/2024. Giải trình về vấn đề này, HĐQT cho biết, một số công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội chưa hoàn thiện. Do đó, CTCP Dịch vụ nông nghiệp Bình Thuận cần thêm thời gian để chuẩn bị tốt nhất.