Condotel giảm giao dịch do chính sách?

16/05/2019 09:34 GMT+7
Theo GS Đặng Hùng Võ, tình trạng giảm giao dịch condotel hiện nay chỉ mang tính địa phương và tức thời. Có thể lý do chính làm giảm giao dịch lại chính là những nhược điểm về chính sách, pháp luật đã được đề cập ở trên.

Trên thị trường bất động sản những năm gần đây chứng kiến sự tăng trưởng khá ấn tượng của nhiều phân khúc và nhiều khu vực. Trong năm 2018, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng phát triển kém sôi động hơn với việc nguồn cung và tiêu thụ đều sụt giảm khá mạnh so với năm trước đó. Tuy nhiên, bước vào những tháng đầu năm 2019 bất động sản nghỉ dưỡng có nhiều dấu hiệu khởi sắc.

Dù bất động sản nghỉ dưỡng đang có dư địa lớn để phát triển nhưng vẫn còn không ít rào cản. Theo đánh giá của các chuyên gia thì bất động sản nghỉ dưỡng cũng tồn tại những rủi ro nhất định. Trong đó, nổi cộm là vấn đề pháp lý đối với loại hình bất động sản nghỉ dưỡng như Condotel hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi.

Tại Hội thảo: “Xu hướng mới và cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng nửa cuối 2019” do Tạp chí đầu tư bất động sản CafeLand tổ chức, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng, bất động động sản nghỉ dưỡng có các loại condotel, các khu du lịch nghỉ dưỡng là 2 xu hướng đầu tư trong những năm gần dây nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản chia sẻ tại Hội thảo.

Trong quý 1.2019 thu hút đầu tư nước ngoài Việt Nam khoảng 1,7 tỉ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng bất động sản trong 3 năm trở lại đây luôn luôn đứng thứ 2, trong đó có bất động sản nghỉ dưỡng.

Cũng theo ông Khởi, trong năm 2018 có hơn 8.000 căn hộ condotel đủ điều kiện mở bán tại khoảng 12 địa phương, chủ yếu là các địa phương có cơ hội đầu tư du lịch nhiều như là Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang, Phan Thiết, Quảng Ninh, đặc biệt là Quảng Ninh chiếm đến 19%, Đà Nẵng 14%, Khánh Hoà hơn 26%.

“Lượng giao dịch năm 2018 cũng đến hơn 7.800 căn hộ được giao dịch, tỉ lệ hấp thụ hơn 92%. Chứng tỏ năm 2018 lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng được sự quan tâm rất nhiều. Chỉ tính riêng trong quý 1.2019, số lượng condotel mở bán ở các thị trường phía Nam nhiều hơn phía Bắc, các tỉnh phía Nam đặc biệt là từ Đà Nẵng đổ vào lượng giao dịch nhiều hơn”, ông Khởi thông tin.

Cũng tại Hội thảo này, GS Đặng Hùng Võ – Nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết, bất động sản du lịch đã có một quá trình phát triển khá nhanh từ 2014 tới nay nhờ khả năng tăng trưởng du lịch của Việt Nam rất ấn tượng, trung bình khoảng 30% mỗi năm.

Nhà nước cũng đã có chủ trương đưa kinh tế du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với nhiều chính sách khuyến khích như đổi mới thủ tục cấp visa du lịch, khuyến khích tổ chức các sự kiện quốc tế, phát triển nhanh hạ tầng giao thông, khuyến khích phát triển các dự án đầu tư hạ tầng du lịch.

Cụ thể, từ 2014 tới nay, cung các bất động sản du lịch như biệt thự nghỉ dưỡng, shop house, condotel đã tăng lên khá cao, trước hết tại các địa phương có tiềm năng du lịch lớn như Hạ Long, Đà Nẵng - Hội An, Nha Trang - Cam Ranh, Phú Quốc, sau đó đã chuyển sang các địa phương như Vân Đồn, Sầm Sơn, Hà Tĩnh, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Phan Thiết…

GS Đặng Hùng Võ cùng nhiều chuyên gia đều nhận định bất động sản nghỉ dưỡng có nhiều tiềm năng phát triển.

Ngoài ra, các dự án bất động sản du lịch đã áp dụng cơ chế bán bất động sản hình thành trong tương lai để thu hút vốn đầu tư từ khu vực cá nhân sau khi đã hoàn thành hạ tầng dự án. Hơn nữa, các nhà đầu tư dự án bất động sản còn đưa ra nhiều chính sách riêng để thu hút đầu tư như trao đổi kỳ nghỉ, cam kết lợi nhuận từ kinh doanh…

Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra chính sách hạn chế hơn nguồn tín dụng cho thị trường bất động sản. Khung pháp luật đối với các bất động sản đa công năng nói chung và condotel nói riêng vẫn chưa hoàn thiện, đang tạo ra nhiều rủi ro pháp lý.

Đến đầu 2019, tình trạng giảm giao dịch các bất động sản dạng condotel đang xảy ra tại một số địa phương. Tuy nhiên, nếu so sánh tổng các bất động sản du lịch tại Việt Nam so với một số nước mạnh về du lịch ở Đông Nam Á như Thái Lan, thì số lượng của Việt Nam vẫn còn thấp. Trong khi đó, tăng trưởng du lịch của Việt Nam vẫn đang ở mức 30% trên năm, thuộc nhóm đứng đầu thế giới.

“Tôi cho rằng, trên tầm nhìn dài hạn thì cung về condotel ở Việt Nam chưa thể vượt cầu. Tình trạng giảm giao dịch condotel hiện nay chỉ mang tính địa phương và tức thời. Có thể lý do chính làm giảm giao dịch lại chính là những nhược điểm về chính sách, pháp luật đã được đề cập ở trên”, ông Võ nhận định.

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục