Công thức tính giá xăng sẽ được thay đổi như thế nào?
Cụ thể, tại điều 24 của dự thảo nghị định đã bổ sung điều 38a của Nghị định 83 về công thức giá cơ sở như sau: Giá cơ sở xăng dầu được tính bằng (=) giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu nhân (x) với tỷ trọng (%) sản lượng nhập khẩu cộng (+) giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước nhân (x) với tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu trong nước.
Theo đó, giá cơ sở được xác định hằng quý sẽ được tính toán dựa trên tỷ trọng sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước và nhập khẩu. Tỷ trọng sản lượng của quý trước liền kề được áp dụng để tính giá cơ sở cho các kỳ điều hành trong quý tiếp theo. Đáng chú ý, cách tính toán giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước sẽ bao gồm 2 phương án.
Phương án 1 như sau: Giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước được xác định bằng (=) Giá xăng dầu thế giới cộng (+) hoặc trừ (-) Premium (nếu có) cộng (+) Chi phí định mức tối đa đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có) cộng (+) Chi phí kinh doanh định mức tối đa cộng (+) Thuế, phí và các khoản trích nộp theo quy định cộng (+) Mức trích quỹ bình ổn giá xăng dầu cộng (+) Lợi nhuận định mức.
Trong đó, Premium trong nước là khoản chênh lệch so với giá xăng dầu thế giới. Cụ thể, Premium được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng và không cao hơn giá thế giới bình quân. Khoản chênh lệch kể trên sẽ do Bộ Tài chính xác định.
Đối với công thức theo phương án 2: Giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước được xác định bằng (=) Giá bán xăng dầu bình quân của các nhà máy lọc dầu cộng (+) Chi phí định mức tối đa đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có) cộng (+) Chi phí kinh doanh định mức tối đa cộng (+) Thuế, phí và các khoản trích nộp theo quy định cộng (+) Mức trích quỹ bình ổn giá xăng dầu cộng (+) Lợi nhuận định mức.
Nhận định về 2 phương án tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, đại diện Bộ Công Thương nhận định, với phương án 1, công tác quản lý, điều hành giá của cơ quan chức năng sẽ có nhiều thuận lợi.
Nguyên nhân là do biến số đầu vào là giá thế giới thì các chi phí định mức khác đều có thể kiểm soát được. Ngoài ra, phương án này cũng không làm phát sinh thủ tục cho DN như phải kê khai giá bán và không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh hiện hành.
Trong bối cảnh xăng dầu được mua từ nguồn trong nước chiếm đa số (năm 2019 là 75 - 80%). Theo đó, giá mua bán là do DN trong nước được quyết định và thỏa thuận đàm phán với đầu mối.
Tuy nhiên, việc thỏa thuận vẫn phải dựa trên giá xăng dầu thế giới để áp dụng tính giá, nếu không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến tình trạng nâng mức chi phí phụ phí lên quá cao để hưởng lợi.
Đối với phương án 2, Bộ Công Thương cho biết, hiện tại, Việt Nam mới chỉ có 2 công ty sản xuất xăng dầu nên áp lực cạnh tranh từ nguồn bán xăng dầu trong nước chưa đủ mạnh.
Do đó, cả 2 DN trên đã và sẽ tiếp tục căn cứ vào giá nhập khẩu để đàm phán giá mua bán trong nước, vì nếu cao hơn sẽ không bán được hàng. Như vậy, nếu theo phương án 2 thì giá bán xăng dầu trong nước sẽ là đại diện để tính giá cơ sở do chiếm 70 - 80%.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương cũng lo ngại việc các DN lợi dụng cơ chế thỏa thuận để tăng giá bán bằng cách điều chỉnh tăng khoản phụ phí.
"Khi đó, giá cơ sở là mức giá để cơ quan quản lý điều hành giá bán lẻ sẽ không theo diễn biến giá thế giới và chắc chắn sẽ tăng cao so với hiện hành khoảng 5%, gây thiệt cho người tiêu dùng", đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Qua đó, trong văn bản trình Thủ tướng mới đây, Bộ Công Thương kiến nghị xem xét lựa chọn phương án 1 được cho là ít nhược điểm và có lợi cho người tiêu dùng để áp dụng.