Công ty chứng khoán lợi nhuận ảm đạm 6 tháng, cuối năm có đảo ngược thế cờ?

24/07/2019 16:16 GMT+7
Giá trị giao dịch của toàn thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm nay giảm tới gần 45% kéo theo lợi nhuận nhiều công ty chứng khoán lao dốc, đặc biệt là những công ty dựa nhiều vào hoạt động môi giới như SSI, HSC, VND hay VCSC. Tuy nhiên, theo chuyên gia chứng khoán có nhiều cơ sở để kỳ vọng vào lợi nhuận nửa cuối năm 2019 khởi sắc.

Hoạt động của đa số các công ty chứng khoán tiếp tục sụt giảm mạnh do thanh khoản thấp tác động mạnh lên nguồn thu từ hoạt động môi giới và cho vay ký quỹ.

Lợi nhuận của nhiều công ty “bốc hơi” trong nửa đầu năm

Điển hình như trường hợp của công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI). Là công ty chứng khoán dẫn đầu thị phần môi giới trên thị trường chứng khoán thế nhưng trong nửa đầu năm nay SSI chỉ ghi nhận doanh thu 1.435 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 391 tỷ đồng - giảm lần lượt 24% và 44,7% so với nửa đầu năm ngoái.

Với kết quả này, SSI mới chỉ hoàn thành 40% doanh thu và 30% kế hoạch lợi nhuận cả năm và về vị trí “á quân” lợi nhuận sau Chứng khoán Kỹ thương.

Đáng nói, trong nửa đầu năm, môi giới là mảng hoạt động giảm mạnh nhất của SSI khi thu về chỉ gần 285 tỷ đồng, so với mức trên 700 tỷ cùng kỳ năm trước.

Tương tự SSI, Công ty chứng khoán TP HCM (HSC) lợi nhuận cũng giảm gần 60% so với cùng kỳ với 193 tỷ đồng. Con số lợi nhuận này của HSC mới chỉ đạt 28% kế hoạch cả năm 2019.

Trong đó, các nghiệp vụ kinh doanh của HSC đều sụt giảm bao gồm môi giới đạt 238 tỷ đồng, giảm 48%; doanh thu từ các hoạt động cho vay ký quỹ đạt 234 tỷ đồng, giảm 20%; hoạt động đầu tư tự doanh chỉ đạt 86 tỷ đồng và mảng tư vấn tài chính doanh nghiệp ghi nhận 34 tỷ đồng, giảm 43%...

Tổng doanh thu hoạt động của HSC chỉ đạt 763 tỷ đồng, so với mức trên 1.500 tỷ trong hai quý đầu năm 2018.

Cũng thuộc TOP 5 trong hoạt động môi giới, công ty chứng khoán VNDirect báo cáo doanh thu từ hoạt động môi giới quý II/2019 giảm 44%, còn 77,5 tỷ đồng; doanh thu từ hoạt động đầu tư chứng khoán, góp vốn giảm 51% xuống còn 46,8 tỷ đồng...

Kết quả, lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu hoạt động của công ty chứng khoán này đạt hơn 686 tỷ đồng, giảm gần 20% và lợi nhuận sau thuế của VNDirect đạt 120,8 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm 2018.

Đồng cảnh ngộ, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) của bà Nguyễn Thanh Phượng công bố báo cáo tài chính quý II/2019 với doanh thu hoạt động đạt 406 tỷ đồng - thấp hơn 11% và lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 140 tỷ đồng - thấp hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sau 6 tháng đầu năm, BVSC đạt lợi nhuận sau thuế 342 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi những cái tên top đầu thị trường như SSI, HSC, VND, VCSC đều giảm mạnh lợi nhuận thì những công ty có quy mô nhỏ, được vốn ngoại hậu thuẫn hay kinh doanh thị trường riêng biệt lại duy trì đà tăng trưởng mạnh.

Công ty chứng khoán Kỹ thương (Techcombank Securities - TCBS) là một ví dụ điển hình. Nửa đầu năm nay, TCBS báo lãi trước thuế gần 600 tỷ đồng, hơn gấp ba cùng kỳ. Con số này cũng giúp TCBS vượt qua SSI trở thành quán quân trong bảng xếp hạng lợi nhuận của nhóm các công ty chứng khoán.

Trong đó, hơn 750 tỷ đồng doanh thu hoạt động của TCBS chủ yếu đến từ nghiệp vụ tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu và lãi từ các tài sản tài chính FVTPL. Môi giới cũng không phải mảng kinh doanh chính của TCBS.

Cơ sở cho triển vọng cuối năm

Nhìn vào kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán trong 6 tháng đầu năm nay có thể nhận thấy, hầu hết các công ty chứng khoán dựa nhiều vào hoạt động môi giới đều có sự sụt giảm về lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước như SSI, HSC, VND hay VCSC.

Các doanh nghiệp này cũng thừa nhận, hoạt động của thị trường chung tiếp tục đi xuống là nguyên nhân chính khiến các mảng kinh doanh sụt giảm.

Thống kê cho thấy, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường 6 tháng đầu năm giảm xấp xỉ 45%. Tại Hose, tổng khối lượng giao dịch 6 tháng đạt hơn 20 tỉ cổ phiếu với trị giá 443.418 tỉ đồng, giảm 14% về khối lượng và 17,5% về giá trị so với cùng kỳ 2018. Tương tự, tổng khối lượng trên sàn HNX đạt 4 tỉ cổ phiếu có trị giá 53.163 tỉ đồng - giảm lần lượt 28% và 32%.

"Thanh khoản giảm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến doanh thu từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán và hoạt động cho vay ký quỹ, ứng trước tiền bán giảm mạnh", SSI cho biết.

Đồng thời, theo SSI, các bất ổn về thương mại quốc tế, lo ngại tăng trưởng chậm dẫn đến việc rút vốn khỏi các tài sản rủi ro như cổ phiếu đã chi phối hầu hết các thị trường toàn cầu. Thị trường Việt Nam cũng mất đi động lực quan trọng khi trong quý II khối ngoại bán ròng 921 tỉ đồng trên sàn HoSE – ngược lại xu hướng mua ròng 2.220 tỉ đồng của quý trước.

Ngoài thanh khoản sụt giảm, quá trình cổ phần hóa diễn biến chậm lại khiến thị trường thiếu hụt nguồn cung hàng hóa quan trọng để thu hút nhà đầu tư. Năm 2019, tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước dự kiến thoái vốn tại 108 doanh nghiệp, tuy nhiên đến thời điển hiện chưa có thương vụ thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp để lại dấu ấn, cũng như thu hút được nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Chưa kể, một số doanh nghiệp cũng phải giảm phí giao dịch do cạnh tranh mạnh giữa các công ty chứng khoán. Vì vậy nguồn doanh thu đến từ phí cũng tuột dốc so với cùng kỳ.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia chứng khoán tại Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng phải thừa nhận, lợi nhuận của các công ty chứng khoán thường có biên độ giao động mạnh, không ổn định tương đối như các doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, những công ty chứng khoán có sự sụt giảm lợi nhuận trong nửa đầu năm nay là các doanh nghiệp ảnh hưởng mạnh bởi thanh khoản.

“Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này là hệ quả của việc sụt giảm thanh khoản trên thị trường. Công ty chứng khoán đôi khi họ cũng ở thế bị động, chạy theo thị trường chứ không dẫn dắt thị trường”, vị này nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, theo vị chuyên gia BVSC, hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng về lợi nhuận của các công ty chứng khoán trong những tháng cuối năm và năm 2020.

Có cơ sở để kỳ vọng lợi nhuận của các công ty chứng khoán khởi sắc nửa cuối năm 2019

Vị này phân tích, vấn đề thanh khoản của thị trường được dự báo sẽ khởi sắc từ triển vọng nâng hạng thị trường. Các dòng vốn nước ngoài sẽ chảy vào nhiều hơn vào các quỹ ETF, giúp tăng thanh khoản thị trường. Qua đó cải thiện được giao dịch của các công ty chứng khoán.

Đồng thời, các công ty chứng khoán cũng kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại trong bối cảnh vĩ mô được duy trì ổn định và đón nhận số tín hiệu tích cực như kỳ vọng FED giảm lãi suất để kích thích kinh tế Mỹ kéo theo tăng trưởng toàn cầu; Việt Nam ký kết EVFTA mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hóa vào EU. Bên cạnh đó tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp đầu ngành vẫn ổn định, đưa định giá của thị trường về mức hấp dẫn hơn.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục