Cứu hay không cứu Vietnam Airlines?
Đại dịch COVID-19 là yếu tố khách quan, chứ không phải do lỗi từ người quản lý để xảy ra thua lỗ. Vì thế, dù Nhà nước có cho Vietnam Airlines vay, hỗ trợ cũng không nên dùng từ "giải cứu".
Nhân tố đầu tiên để phục hồi các đứt gãy về kinh tế
Theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Đình Cung, ngành hàng không chịu tác động đầu tiên và mạnh mẽ nhất bởi đại dịch Covid-19. Các hãng hàng không trên thế giới đều suy sụp và nhiều hãng phá sản. Vì thế, Chính phủ nhiều nước đã đưa ra các gói giải cứu cho các hãng hàng không.
Ví dụ, tại nhiều quốc gia, Chính phủ đã hỗ trợ vay vốn, trợ cấp, đầu tư tăng thêm vốn chủ sở hữu, giảm thuế doanh nghiệp và hỗ trợ khai thác. Cụ thể, Chính phủ Pháp đầu tư vào thương hiệu Air France cùng khoản vay 3 tỷ EUR, ngoài ra, còn tiến hành bảo lãnh tới 90% cho những khoản vay đạt mức 4 tỷ EUR; Chính phủ Mỹ hỗ trợ gần như tất cả thương hiệu hàng không với nhiều mức độ khác nhau. Chính phủ Bồ Đào Nha đầu tư 2 tỷ EUR nhằm tăng thêm vốn chủ sở hữu, nâng mức chủ sở hữu từ 50% lên thành 70%.
Chính phủ Singapore đầu tư mạnh tay cho Singapore Airlines thông qua Temasek với 13,5 tỷ USD nhằm vừa tăng vốn, vừa phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành trái phiếu. Điều này xuất phát chính từ thực tế Singapore không có thị trường hàng không nội địa. Chính phủ Thái Lan bảo hộ phá sản cho Thai Airlines. Chính phủ Nhật Bản cũng nhanh chóng thực hiện các kế hoạch đầu tư và bảo hộ tương tự.
“Tất cả thực tế trên cho thấy, sự hỗ trợ từ Chính phủ là rất quan trọng. Nhưng tại Việt Nam, chúng ta mới thực hiện được vai trò quản lý nhà nước thông qua tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và một chính sách chung hỗ trợ doanh nghiệp mà chưa thực hiện được vai trò của chủ sở hữu”, ông Cung nói.
Nói về việc thiếu hụt dòng tiền tại Vietnam Airlines, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết: Đối với các hãng hàng không, việc dừng bay giống như “mất máu đột ngột” cho dòng tiền của hãng. Bởi lẽ, khách đặt vé máy bay thì chủ yếu là dòng tiền tương lai. Khi khách đồng loạt hủy chuyến thì dòng tiền về 0 thậm chí là âm.
Ông Hiền ví dụ: “Covid-19 bắt đầu lan rộng tại Việt Nam từ tháng 2/2020, nhưng đến đầu tháng 4/2020, Vietnam Airlines chỉ còn 5% đưa ra năng lực sản xuất, hoạt động cầm chừng. Trước Covid -19, số dư trong tài khoản của Vietnam Airlines là 8.800 tỷ nhưng đến tháng 3/2020 chỉ còn 4.000 tỷ đồng. Dự báo, trong năm 2020, Vietnam Airlines thâm hụt dòng tiền khoảng 16.000 tỷ đồng, chúng tôi đã tự xoay xở 1 phần, hiện còn thiếu 12.000 tỷ đồng cần hỗ trợ. Tôi xin nói đây là hỗ trợ trong hoàn cảnh khó khăn và Vietnam Airlines thừa khả năng trả do cân đối tổng tài sản trên 70.000 tỷ đồng, chứ không phải xin không”.
Trao đổi với Nhà Đầu tư, TS. Trần Đình Cung nhận định: “Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia, ngoài nhiệm vụ kinh doanh, hãng còn thực hiện những nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ yêu cầu như giải cứu công dân, vận chuyển hàng hóa vùng dịch. Tôi cho rằng, Vietnam Airlines là nhân tố đầu tiên để phục hồi các đứt gãy về kinh tế”.
Giải cứu thế nào?
Trước việc vai trò của Nhà nước đóng vai trò gì tại Vietnam Airlines, TS Nguyễn Đình Cung phân tích: Rõ ràng Chính phủ đang đóng 2 vai trò chính bao gồm: tư cách quản lý nhà nước và tư cách chủ sở hữu, nhà đầu tư, cổ đông trong doanh nghiệp. Với vai trò thứ nhất, Chính phủ thực hiện những chính sách kinh tế, trong đó tập trung bảo toàn và định hướng phát triển kinh tế xã hội như tăng cường trợ cấp và miễn trừ nhiều loại thuế phí.
Tại nhiều quốc gia còn chủ động điều tiết giá trần, chi phí vận hành nhằm đảm bảo khả năng hoạt động trạng thái ổn định. Chính sách tiền tệ, điều tiết lãi suất theo đó cũng được nới lỏng nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Ở Việt Nam, chúng ta mới chỉ dừng ở mức giảm thuế, miễn một số loại phí chứ chưa thực hiện miễn giảm thuế triệt để.
Còn trong vai trò chủ sở hữu và là nhà đầu tư, góp vốn tại doanh nghiệp, đây không phải là trường hợp mà nhà nước bắt buộc phải chiếm lấy quyền sở hữu. Khi hoạt động dựa trên bản chất kinh tế thị trường, nhà đầu tư sẽ tham gia khi nhìn thấy cơ hội. Chủ sở hữu có thể cho vay, bảo lãnh cho vay, hoặc tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ động hiện hữu và nắm quyền điều hành nhằm tránh doanh nghiệp phá sản. Đó cũng là điều mà Chính phủ nhiều nước khác đã áp dụng.
Theo TS. Trần Đình Thiên, Vietnam Airlines không phải đi xin chính phủ hỗ trợ hay giải cứu. “Chúng ta không nên dùng chữ “giải cứu”. Đây không phải giải cứu, đây là giải quyết vấn đề nhằm giúp Vietnam Airlines tiếp tục tồn tại và phát triển, và cần làm rõ việc này nên là việc của ai?”, TS. Trần Đình Thiên đặt vấn đề.
Nói rõ hơn về câu chuyện vai trò của Chính phủ đối với Vietnam Airlines, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, đã gửi đề xuất cho Thủ tướng về các giải pháp hỗ trợ Vietnam Airlines. Cũng theo ông Kiên, Tổ Tư vấn sẽ báo cáo Thủ tướng những giải pháp càng nhanh càng tốt như tái cấp vốn, cho vay bắc cầu, phát hành cổ phiếu để tăng vốn hoặc điều chuyển vốn sẽ giúp Vietnam Airlines khắc phục khó khăn tài chính đồng thời đề xuất hãng cũng có kế hoạch tái cơ cấu một cách phù hợp với diễn biến của thị trường cũng như năng lực tài chính cho phù hợp.
Liên quan đến việc Chính phủ hỗ trợ cho Vietnam Airlines, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước Vũ Bằng gợi ý: Do vai trò của Vietnam Airlines trong nền kinh tế rất quan trọng nên các giải pháp hỗ trợ hãng phải kéo dài. Vì thế, có thể phương án phát hành riêng lẻ trái phiếu chuyển đổi của Vietnam Airlines, Chính phủ cho phép SCIC mua qua hình thức chỉ định đầu tư có thời hạn.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Phạm Đức Trung, Trưởng ban nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp (CIEM) đánh giá: Với vai trò Chủ sở hữu, Chính phủ có thể hỗ trợ về thanh khoản, tăng vốn chủ sở hữu, cho vay về từ nguồn ngân sách nhà nước thông qua mua cổ phiếu phát hành thêm... Dưới góc nhìn quản trị doanh nghiệp, đây nên là hành động có tính trách nhiệm và quán triệt từ phía Chính phủ. Thứ 2, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, chúng ta cần có hướng giải quyết hiệu quả, nhất là khi hệ thống luật quản trị doanh nghiệp nhà nước hiện nay còn nhiều điểm chưa hoàn thiện. Vì vậy, cơ quan nhà nước nên cân nhắc lựa chọn phương án cân bằng giữa lợi ích cho doanh nghiệp và đảm bảo an toàn cho việc đầu tư vốn nhà nước.
“Giá trị thanh khoản của Vietnam Airlines được ước tính vào khoảng 16.000 tỷ đồng nhưng chúng ta vẫn cần ưu tiên sớm tìm ra giải pháp. Với tư cách là chủ sở hữu, 2 phương án được đưa ra bao gồm đầu tư thêm vốn hoặc cho vay. Việc đầu tư thêm vốn có thể xuất phát từ chủ doanh nghiệp hoặc những công ty thành viên. Còn với cho vay, nguồn tiền sẽ được huy động thông qua bảo lãnh hoặc vay từ hệ thống ngân sách nhà nước”, ông phân tích.
PGS,TS Trần Đình Thiên: “Không được lãng phí một cuộc khủng hoảng"