Đa số người Nga ủng hộ sửa đổi Hiến pháp, Tổng thống Putin có thể nắm quyền đến năm 83 tuổi

02/07/2020 09:39 GMT+7
Số liệu thống kê sau cuộc bỏ phiếu cho thấy đa số người Nga ủng hộ thay đổi hiến pháp nhằm tạo điều kiện cho Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục nắm quyền đến năm 2036.
Đa số người Nga ủng hộ sửa đổi Hiến pháp, ông Putin có thể giữ ghế Tổng thống đến năm 83 tuổi - Ảnh 1.

Đa số người Nga ủng hộ sửa đổi Hiến pháp, ông Putin có thể giữ ghế Tổng thống đến năm 83 tuổi

Kết quả chính thức sau khi thống kê 98% số phiếu cho thấy đa số người dân ủng hộ sửa đổi hiến pháp cho phép Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã nắm quyền trong hơn hai thập kỷ qua tiếp tục tranh cử thêm 2 nhiệm kỳ 6 năm sau khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào năm 2024. Điều đó nghĩa là ông Putin hiện 67 tuổi có thể giữ chức Tổng thống Nga đến khi 83 tuổi.

Theo Ủy ban bầu cử Trung Ương, tỷ lệ số phiếu ủng hộ thay đổi hiến pháp lên tới 78%. Chỉ 21% cử tri không đồng tình với thay đổi này. Ella Pamfilova, người đứng đầu ủy ban bầu cử Trung Ương tuyên bố cuộc bỏ phiếu diễn ra hoàn toàn minh bạch và các quan chức Nga đã làm mọi thứ để bảo vệ tính liêm chính của nó. Như vậy, trong thời gian tới, hiến pháp Nga sẽ được sửa đổi để tạo điều kiện cho Đương kim Tổng thống Putin tranh cử thêm 2 nhiệm kỳ.

Cuộc trưng cầu dân ý về việc sửa đổi Hiến pháp đã diễn ra trong 1 tuần kể từ ngày 25/6 đến 1/7, tổ chức sớm hoặc theo hình thức trực tuyến nhằm giảm bớt lượng người tập trung tại các điểm bỏ phiếu trong ngày bỏ phiếu chính thức 1/7 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Người Nga đã được khuyến khích ủng hộ động thái sửa đổi Hiến pháp tạo điều kiện cho hai nhiệm kỳ tiếp theo của ông Putin, với các cải cách đi kèm với như cấm kết hôn đồng giới và bảo vệ lương hưu. Cùng với đó là chiến dịch quảng cáo rầm rộ và các giải thưởng hấp dẫn với cử tri ủng hộ như cung cấp nhà ở… Theo lệnh của ông Putin, những người có con tham gia bỏ phiếu hôm 1/7 - ngày cuối cùng trong chiến dịch bỏ phiếu 7 ngày vừa qua sẽ được nhận khoản thanh toán trị giá 10.000 rúp (141 USD).

Theo thống kê, đã có khoảng 65% cử tri trên cả nước tham gia bỏ phiếu. Mikhail Volkov, cư dân tại Moscow cho hay ông đã bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi hiến pháp vì tin rằng đất nước cần những thay đổi căn bản. Cho đến nay, Tổng thống Putin là nhà lãnh đạo phục vụ lâu nhất trong lịch sử nước Nga hiện đại kể từ thời Josef Stalin (Liên Xô).

Trong khi đó, các đối thủ chính trị của ông Putin đã phản đối hoặc chế giễu cuộc bầu cử trực tuyến khi số ca nhiễm Covid-19 tại Nga vẫn tăng hàng ngàn trường hợp mỗi ngày. “Chúng tôi phải nhắc nhở các nhà chức trách rằng phe đối lập vẫn tồn tại và có hàng chục triệu người trong chúng tôi không muốn Putin tiếp tục cai trị đến năm 2036” - trích lời nhà hoạt động chính trị Andrei Pivovarov.

Chính trị gia phe đối lập Alexei Navalny cũng lên tiếng bác bỏ, cho rằng cuộc bỏ phiếu là bất hợp pháp và nỗ lực hợp pháp hóa thêm 2 nhiệm kỳ của Tổng thống Putin cũng là hoàn toàn bất hợp pháp. “Chúng tôi không bao giờ công nhận kết quả này”.

Ông Navalny cho biết phe đối lập sẽ không lập tức phản đối kết quả bầu cử mới vì làn sóng đại dịch Covid-19 thứ hai đang có nguy cơ bùng phát, nhưng đe dọa sẽ biểu tình vào mùa thu nếu kết quả có dấu hiệu sai lệch. “Điều Putin lo sợ nhất là các cuộc biểu tình. Ông ta sẽ không rời đi (khỏi cương vị Tổng thống) cho đến khi hàng trăm ngàn, hàng triệu người xuống đường biểu tình”.

Cũng trong hôm 1/7, song song với sự kiện bỏ phiếu, hàng trăm người đã tập trung tại Quảng trường Pushkin trung tâm Thủ đô Moscow để phản đối sửa đổi hiến pháp. Cảnh sát sau đó bắt giữ 14 người và giải tán đám đông còn lại.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục