Bầu cử Tổng thống Mỹ có thể "cứu sống" số phận Huawei?
Bị chính quyền Trump giáng đòn, Huawei đang cạn nguồn cung chip
Việc cạn nguồn cung chip tiên tiến sẽ đe dọa vị thế của nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới, đồng thời có nguy cơ quét sạch hàng tỷ USD doanh thu của Huawei từ mảng bán smartphone. Một nhà phân tích đã bình luận với CNBC rằng Huawei có thể duy trì sự tồn tại trong năm 2020 nhưng hai năm tới có thể rất khó khăn khi nguồn chip dự trữ cạn kiệt và các lệnh hạn chế tiếp tục kéo dài.
Hồi tháng 5/2020, Mỹ đã ban hành Bộ Quy tắc sản phẩm sản xuất tại nước ngoài, yêu cầu các nhà sản xuất nước ngoài sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ phải được Bộ Thương mại Mỹ cấp phép nếu muốn bán hàng cho Huawei.
Huawei hiện có công ty con chuyên thiết kế chip mang tên HiSilicon nhưng các dòng chip này được sản xuất nhờ vào những nhà sản xuất chip hợp đồng như TSMC của Đài Loan. Và Bộ Quy tắc mới ban hành của Washington đã “đá” Huawei khỏi chuỗi cung ứng chip toàn cầu một cách gần như tuyệt đối. TSMC, đối tác lớn nhất của Huawei từ giữa tháng 6 đã tuyên bố ngừng xuất khẩu chip cho công ty công nghệ Trung Quốc theo Bộ Quy tắc này. Mọi đơn hàng chip đã đặt trước đó sẽ được chuyển đến Huawei trước ngày 15/9.
Chính CEO mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei, ông Richard Yu cũng phải thừa nhận: “Đó là một tổn thất rất lớn với chúng tôi. Năm nay có thể là thế hệ chip tiên tiến cuối cùng của Huawei”, và rằng công ty này hiện “không có chip, không có cả nguồn cung chip”.
Đi đường nào cũng khó!
Huawei là một trong số ít các thương hiệu smartphone bên cạnh Samsung và Apple tự thiết kế chip riêng cho smartphone của họ, dòng chip cao cấp có tên Kirin. Đó là một trong những điều làm nên khác biệt giữa Huawei với các đại gia công nghệ Trung Quốc khác như Oppo, Vivo...
Neil Mawston, giám đốc điều hành mảng thiết bị không dây tại Strategy Analytics nhận định: “Mảng smartphone của Huawei đang không còn lựa chọn trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp chip”. Ông này chỉ ra trong số 15 nhà cung cấp chip trên toàn cầu mà Huawei có thể hợp tác, chỉ có 5 lựa chọn là đáng tin cậy.
Theo ông Neil Mawston, Huawei có thể tiếp tục đặt đơn hàng sản xuất dòng chip vi xử lý Kirin với nhà sản xuất chip hợp đồng nội địa là SMIC thay vì TSMC của Đài Loan hoặc sử dụng chip từ các nhà sản xuất chip Unisoc (Trung Quốc), MediaTek (Đài Loan) hoặc Samsung (Hàn Quốc). Lựa chọn cuối cùng có thể cân nhắc là sử dụng chip từ nhà sản xuất Qualcomm của Mỹ, nhưng chỉ những dòng chip được Mỹ cấp phép. Tuy nhiên, ông Mawston nhấn mạnh của 5 lựa chọn này đều ẩn chứa những thách thức lớn.
SMIC hiện là nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất Trung Quốc, nhưng công ty này sử dụng thiết bị sản xuất chip từ Mỹ. Điều này nghĩa là theo Bộ Quy tắc Mỹ vừa ban hành hồi tháng 5, SMIC có thể sẽ không được phép cung cấp chip cho Huawei. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất hạn chế cũng là một trở ngại. SMIC hiện chưa thể chế tạo chip Kirin 7 nm, dòng chip tiên tiến bậc nhất của Huawei. Trong khi đó, các nhà sản xuất chip toàn cầu như TSMC hiện đã sẵn sàng cho quy trình sản xuất chip 5 nm tiên tiến nhất thế giới.
Trong khi đó, Unisoc của Trung Quốc là nhà sản xuất chip bán dẫn cấp thấp, không phù hợp với nhu cầu chip tiên tiến của Huawei. “Và sẽ mất nhiều năm để Unisoc tăng quy mô và chất lượng” - nhận định của ông Mawston.
Samsung hiện đang sản xuất chip Exynos của riêng hãng này, được sử dụng trong các dòng smartphone Huawei. Trong bối cảnh Samsung và Huawei hiện cạnh tranh khốc liệt trên thị trường smartphone toàn cầu, Samsung có thể không sẵn sàng chia sẻ nguồn cung chip với Huawei. Ông Mawston cũng lưu ý rằng Hàn Quốc là một đồng minh chính trị thân cận của Mỹ, do đó ngay cả khi sẵn sàng chia sẻ dòng chip này, Samsung cũng chưa chắc sẽ hợp tác với Huawei.
Về phía Qualcomm, nhà sản xuất chip của Mỹ đang nỗ lực vận động chính phủ hủy lệnh cấm bán cho Huawei. Nhưng trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống sắp diễn ra vào tháng 11 tới, rất khó để chính quyền Trump dịu đi lập trường cứng rắn của họ, ông Mawston cho biết thêm.
Như vậy, nhà sản xuất chip tầm trung MediaTek của Đài Loan cho đến giờ là một trong những lựa chọn khả thi nhất của Huawei trong ngắn hạn. Nhưng vẫn còn nhiều rủi ro, bởi MediaTek có mối liên hệ đối tác chặt chẽ với TSMC.
Cuộc bầu cử tại Mỹ ảnh hưởng đến số phận Huawei
Các nhà phân tích chỉ ra kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 tới có thể là nhân tố quan trọng quyết định liệu mảng smartphone của Huawei có khả năng tồn tại hay không. Nếu ứng viên Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden chiến thắng, cuộc chiến công nghệ Mỹ Trung có thể có những diễn biến mới.
“Joe Biden có thể sẽ xây dựng những chính sách riêng trong lĩnh vực công nghệ, bao gồm cả ngành sản xuất chip. Và để giành được sự ủng hộ từ các doanh nghiệp công nghệ Mỹ như Qualcomm, Biden có thể sẽ đề xuất thu hồi lệnh cấm cung cấp chip cho Huawei. Hoặc, phe ông Trump có thể nới lỏng lệnh cấm trong nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của các doanh nghiệp nước này” - nhận định của ông Abishur Prakash, chuyên gia địa chính trị tại Trung tâm Đổi mới Tương lai (CIF), một công ty tư vấn có trụ sở tại Toronto, Canada.
Còn một giải pháp tiềm năng khác sau bầu cử là Qualcomm có thể được cung cấp chip đúc sẵn cho Huawei, nhưng Huawei có thể không còn được thiết kế chip riêng như hiện tại, theo ông Mawston. Điều này nghĩa là Huawei có thể được khôi phục nguồn cung chip, nhưng phải mua cùng loại chip với các nhà sản xuất smartphone khác trên thị trường. Viễn cảnh như vậy có thể làm tổn hại nặng nề hoạt động kinh doanh smartphone của Huawei, theo nhận định của chuyên gia Nicole Peng từ Canalys. “Khi đó, rất khó để Huawei tạo nên sự khác biệt với các hãng smartphone nội địa như Oppo, Vivo hay Xiaomi. Họ sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là phân khúc cao cấp”.