Đầu cơ đẩy mạnh thanh lý, giá cà phê lao dốc, cà phê nội cũng giảm rất sâu
Giá cà phê hôm nay 22/6: Giá cà phê nội giảm sâu
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm thêm 48 USD, xuống 2.7759 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 giảm thêm 44 USD, còn 2.726 USD/ tấn, các mức giảm khá mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Trương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm thêm 3,85 cent, xuống 172,25 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 giảm thêm 3,45 cent, còn 171,20 cent/lb, các mức giảm khá. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 700 – 800 đồng, xuống dao động trong khung 65.500 - 66.200 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 65.500 đồng/kg. Kế đến là tỉnh Gia Lai với giá 65.700 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua là 66.000 đồng/kg. Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 66.200 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát.
Giá cà phê hai sàn tiếp tục sụt giảm trước ngày thông báo đầu tiên (FND) là điều không khiến thị trường quá ngạc nhiên do đã vào vùng quá mua, cần phải điều chỉnh, cân đối vị thế đầu cơ. Bên cạnh còn là áp lực bán hàng vụ mới hiện đang thu hoạch rộ từ Brazil, nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.
Hợp tác xã Cooxupé ở Brazil thông báo, các xã viên đã thu hoạch được khoảng 21,74 % sản lượng vụ mùa mới bội thu hơn hai vụ trước. Tiến độ thu hoạch nhìn chung vẫn cao hơn các năm trước nhờ thời tiết thuận lợi, tuy vẫn chưa bằng kỷ lục thu hoạch vụ mùa 2019. Theo Conab dự báo, tổng sản lượng cà phê Brazil vụ mùa năm nay sẽ khoảng 54,92 triệu bao, cao hơn 7,5% so với vụ dược mùa của năm 2022 với khoảng 50,92 triệu bao.
Theo một khảo sát, tốc độ kinh doanh cà phê Arabica còn chậm chạp, trong khi kinh doanh cà phê Robusta tỏ ra mạnh mẽ do nhu cầu của ngành công nghiệp vẫn rất cao, nhưng bên bán còn thận trọng khi chưa chắc chắn với quy mô của vụ mùa năm nay.
Thực tế, vài phiên gần đây, giá thế giới trên hai sàn giao dịch London và New York đều xu hướng đi xuống do áp lực bán hàng vụ mới đang thu hoạch rộ từ Brazil, nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.
Mặc dù giá liên tiếp giảm nhưng mức giá hiện tại vẫn được đánh giá là cao, do được hỗ trợ bởi báo cáo tồn kho trên sàn ở mức thấp, khiến thị trường vẫn còn nguyên mối lo thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn. Ngoài ra, việc điều chỉnh lãi suất tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng tác động không nhỏ đến thị trường.
Khi các công ty kinh doanh cà phê trên khắp châu Âu chuẩn bị áp dụng các quy định mới về chống phá rừng, Sàn giao dịch liên lục địa (ICE) đang tung ra một dịch vụ mới được thiết kế để thúc đẩy sự tuân thủ giữa những người mua hàng hóa - được gọi là Truy xuất nguồn gốc hàng hóa ICE (ICoT). Dịch vụ này đã được điều chỉnh để phù hợp với ngành cà phê và ca cao, dự kiến sẽ ra mắt vào năm tới, trước khi luật mới của Liên minh châu Âu có hiệu lực vào ngày 30/12/2024.
Những ngày đầu tháng 6/2023, giá cà phê Robusta và Arabica đồng loạt tăng. Yếu tố thời tiết không thuận lợi tại các vùng trồng cà phê lớn và nhu cầu mua kỹ thuật từ các quỹ đầu cơ đã thúc đẩy giá mặt hàng tăng.
Dự báo thời gian tới, giá cà phê thế giới sẽ được hỗ trợ nhờ các yếu tố thời tiết không thuận lợi tại các nước sản xuất. Dự báo Thời tiết của Trung tâm Khí hậu Quốc gia của Chính phủ Hoa Kỳ, có khả năng 90% xảy ra điều kiện thời tiết El Nino vào cuối năm nay, đe dọa xảy ra khô hạn cục bộ cho các nước sản xuất quanh vành đai Thái Bình Dương và gây mưa nhiều cho các vùng cà phê chính phía Đông Brazil và vùng cà phê Tây Phi.
Bên cạnh đó, lo ngại khả năng các ngân hàng trung ương lớn sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất mới trong khi nền kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn khiến đồng USD suy yếu, dòng vốn đầu cơ tiếp tục chảy về các hàng hóa, trong đó có cà phê. Nhu cầu về cà phê Robusta ngày càng tăng do suy thoái kinh tế.