Đề xuất kéo dài thời hạn giảm phí cho xe kinh doanh vận tải

17/11/2021 14:46 GMT+7
Bộ GTVT vừa đề xuất kéo dài thời hạn giảm phí sử dụng dịch vụ đường bộ cho xe kinh doanh vận tải đi qua trạm thu phí thêm 6 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Thời hạn được Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục giảm phí sử dụng đường bộ đến hết ngày 30/6/2022 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, như vậy, thời hạn được kéo dài thêm 6 tháng so với quy định hiện nay.

Lý giải về đề nghị kéo dài thời hạn này, Bộ GTVT biết, việc này nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trước khi Bộ GTVT đưa ra đề nghị này, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT về việc giảm phí sử dụng đường bộ.

Đề xuất kéo dài thời hạn giảm phí cho xe kinh doanh vận tải - Ảnh 1.

Trạm thu phí Thái Nguyên - Chợ Mới. Ảnh: CTV

Theo quy định của Bộ Tài chính, xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách được giảm phí sử dụng đường bộ hàng tháng, trong thời gian từ 10/8/2020 đến 31/12/2021 (16 tháng và 2/3 tháng).

Mức giảm là 10% đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa, 30% đối với xe kinh doanh vận tải khách (tính trên mức phí phải nộp mỗi tháng).

Hiện, phí đường bộ có 8 mức phí, tương ứng với từng nhóm xe, từ 130.000 đồng đến cao nhất 1.430.000 đồng/tháng.

Khi phương tiện đi đăng kiểm lần gần nhất được tính bù trừ số tiền được giảm vào kỳ phí đường bộ phải nộp tiếp theo.

Thực tế, sự bùng phát mạnh mẽ trở lại của đại dịch Covid-19 diễn ra tại Việt Nam đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống con người.

Đề xuất kéo dài thời hạn giảm phí cho xe kinh doanh vận tải - Ảnh 2.

Các phương tiện vận tải hoạt động tại bến xe Mỹ Đình sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội. Ảnh: CTV

Để đảm bảo an toàn, Nhà nước đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn, kiểm soát dịch Covid-19 nhằm hạn chế thiệt hại tối đa về người bằng các chính sách giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Điều này đã tác động rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải. Nhiều doanh nghiệp vận tải lao đao vì không có nguồn thu trong khi vốn đầu tư lớn, hàng tháng phải trả lãi cho ngân hàng.

Từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay, trải qua 4 làn sóng dịch bệnh Covid-19 đã làm cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải gần như bị kiệt quệ.

Với tần suất hoạt động và lượng khách sụt giảm, doanh thu của các doanh nghiệp vận tải bị giảm mạnh từ 70% - 80%, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của nhiều lao động.

Đối với vận tải đường bộ, nhiều doanh nghiệp, nhà xe phải dừng hoạt động, cho xe nằm bãi, chỉ có khoảng 20 - 30% lượng phương tiện có thể hoạt động trong việc vận chuyển hàng hóa, các phương tiện vận chuyển hành khách thì gần như đóng cửa.

Trong khi đó, cơ cấu vốn của các doanh nghiệp vận tải đa phần là vốn vay tín dụng ngân hàng. Vốn vay hoạt động của doanh nghiệp chiếm trên 80%, nguồn tiền để trả lãi vay và gốc sẽ căn cứ vào nguồn tiền thu hằng tháng, nhưng hiện nay do không thể kinh doanh nên doanh nghiệp không có nguồn chi trả.

Thế Anh
Cùng chuyên mục