ĐHĐCĐ 2024: Thực phẩm Sao Ta đặt mục tiêu lãi tăng nhẹ, tiết lộ loạt vấn đề "nóng" ngành tôm

22/04/2024 16:32 GMT+7
Thực phẩm Sao Ta đã công bố Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, thống nhất đặt mục tiêu doanh thu thuần là 5.187 tỷ và lợi nhuận hợp nhất trước thuế 320 tỷ đồng, tăng lần lượt 2% và 5% so với thực hiện năm ngoái.

HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) nhận định, tình hình khó khăn chưa giảm nhiệt mà còn tăng thêm khó khăn mới là vụ kiện chống trợ cấp ngành tôm từ Mỹ. Hệ lụy là, vụ kiện chống bán phá giá cũng từ nguyên đơn này sẽ được hâm nóng, gây rủi ro cho các lô hàng bán vào thị trường này vì có thể bất ngờ bị áp thuế sau khi có mức thuế sơ bộ.

Hơn nữa, tình hình chiến tranh vẫn tiếp tục kéo dài dẫn đến nguy cơ lạm phát bùng phát trở lại. Cùng với vấn đề tỷ giá hối đoái đồng yen ít nhiều gây bất lợi cho xuất khẩu vào thị trường Nhật.

Một rủi ro khác được Thực phẩm Sao Ta nêu ra là, nguồn cung nguyên liệu tôm trong nước sẽ không nhiều do người nuôi hạn chế nuôi vì không có lợi nhuận, bởi giá thành nuôi tôm cao và tỷ lệ nuôi thành công thấp.

Lý do Ecuador mở rộng xuất khẩu tôm sang Nhật Bản không phải là

Trích Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Thực phẩm Sao Ta.

Với nhận định trên, năm 2024, Thực phẩm Sao Ta lên kế hoạch sản lượng tôm chế biến đạt 22.300 tấn, sản lượng nông sản chế biến đạt 1.500 tấn. Với kế hoạch này, Thực phẩm Sao Ta đặt mục tiêu doanh thu thuần là 5.187 tỷ và lợi nhuận hợp nhất trước thuế 320 tỷ đồng, tăng lần lượt 2% và 5% so với thực hiện năm ngoái.

Trả lời cổ đông về việc đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 khá "thận trọng", lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cho hay, vùng nuôi mới 200ha đã vận hành nuôi vụ đầu tiên vào tháng 6/2024, đến tháng 11/2023 thả vụ nuôi thứ 2 và cuối tháng này (tức tháng 4/2024) sẽ thả nuôi vụ chính của năm 2024. Chất lượng tôm giống, nước nuôi, dịch bệnh trên tôm theo đánh giá là chưa thể kiểm soát hết, chỉ có thể kiểm soát càng nhiều càng tốt.

Hơn nữa, giá thành nuôi tôm 100 con nếu trúng thì khoảng 80.000 đồng. Nếu không trúng thì khoảng 100.000 -110.000 đồng. Mức cung tôm toàn cầu năm nay dự kiến tăng 4% so với năm 2023 sẽ gây ảnh hưởng đến giá bán, cộng thêm tình hình khó khăn của thị trường nên kế hoạch 2024 được đặt ra khá "thận trọng".

Tại đại hội, cổ đông cũng thông qua chia cổ tức cho năm 2024 thấp nhất là 20% bằng tiền (tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 2.000 đồng/cp).

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, Thực phẩm Sao Ta thông qua mức chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 20% (2.000 đồng/cp), tương ứng số tiền cần chi khoảng 131 tỷ để hoàn tất chi trả cho cổ đông. Thời gian thực hiện là ngay sau khi có Nghị quyết của ĐHĐCĐ thông qua.

Phiên thảo luận:

1. Căng thẳng Biển Đỏ đầu năm 2024 đã khiến giá cước vận tải biển đi Mỹ tăng, nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ làm chi phí của Thực phẩm Sao Ta tăng thêm như thế nào?

- Căng thẳng Biển Đỏ làm cho cước tàu tăng trên 50%, điều này cũng có phần ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

2. Nhà máy Thủy sản Sao Ta đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2023 có đóng góp thế nào vào tổng sản lượng và doanh thu trong năm 2023? Kế hoạch triển khai hoạt động cho nhà máy trong thời gian tới như thế nào?

- Nhà máy Thủy sản Sao Ta ra đời trong năm 2023 đầy khó khăn nên chưa có cơ hội phát huy công suất, do đó nên sản lượng chế biến năm 2023 chỉ mới đạt 3.500 tấn. Sang năm 2024, sản lượng chế biến của nhà máy sẽ tăng lên 7.000 tấn.

3. Ban lãnh đạo đánh giá thế nào về các rủi ro có thể gặp từ vụ kiến chống trợ cấp ngành tôm từ Hoa Kỳ? Đồng thời, xin hỏi về doanh thu xuất khẩu sang Mỹ năm nay của doanh nghiệp có thể bị tác động như nào từ vụ kiện này?

- Vấn đề này phức tạp và chưa có tiền lệ nên chúng tôi hết sức tập trung theo dõi diễn biến tình hình nhưng chắc chắn là có tác động. Do vậy, trước mắt, Thực phẩm Sao Ta sẽ tập trung bán Mỹ những mặt hàng không vướng thuế hoặc những mặt hàng có thuế nhưng bán được giá tốt.

4. Được biết, Thực phẩm Sao Ta dự kiến tìm hiểu cơ hội tại thị trường Trung Quốc, xin hỏi tỷ trọng xuất khẩu hiện tại sang thị trường này là bao nhiêu và dự kiến con số trong các năm tới như thế nào?

- Chuyện này đòi hỏi thời gian và tranh thủ cơ hội kinh doanh. Hiện tại, chúng tôi không có hợp đồng nào bán vào thị trường Trung Quốc nhưng sự chuẩn bị nền tảng đang hình thành. Chúng tôi coi đây là thị trường tiềm năng hàng đầu và tự tin sẽ thâm nhập tốt trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện chưa thể khẳng định mốc thời gian do việc này phụ thuộc vào khả năng tiếp cận và cơ hội kinh doanh.

5. Mức thuế chống trợ cấp (CVD) của Mỹ cho tôm Việt Nam đang thấp hơn các nước khác, điều này có mang lại lợi thế cho Thực phẩm Sao Ta không?

- Mức thuế CVD vừa công bố chỉ là mức thuế sơ bộ. Mức thuế cuối cùng dự kiến công bố ở tháng 8-9/2024. Giả định mức thuế CVD cuối cùng của Việt Nam vẫn thấp hơn các nước khác thì đó là lợi thế cho tôm Việt Nam.

Bên cạnh đó, đối tượng bị đánh thuế chống trợ cấp cũng như chống bán phá giá, tôm tẩm bột và tôm chiên không bị áp thuế.

6. Sức mua và khả năng tăng giá bán ở thị trường Mỹ và Nhật năm 2024 như thế nào?

- Xu thế lạm phát, sức mua yếu trong khi nguồn cung toàn cầu mạnh nên với cùng một sản phẩm ở năm trước sẽ khó tăng giá trong năm nay. Tuy nhiên, vẫn còn khả năng tăng giá với các sản phẩm mới, sản phẩm riêng biệt, kích cỡ khan hiếm hoặc nhà sản xuất có uy tín thương hiệu.

Thực phẩm Sao Ta chắc chắn có nguồn khách hàng mới nhưng phải từng bước thu hút bằng chất lượng và giá.

7. Hiện có thông tin Ecuador mở rộng xuất khẩu sang Nhật Bản, liệu có ảnh hưởng gì đến tôm Việt Nam nói chung và Thực phẩm Sao Ta nói riêng không?

- Ecuador là nước cực khan hiếm lao động, cơ giới hóa cao, sản lượng nuôi trồng và thu hoạch tôm quá lớn, không thể đem chế biến hàng GTGT hết, nếu có cũng chỉ là tỷ lệ nhỏ, xuất khẩu chủ yếu là tôm nguyên con hoặc lặt đầu.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng thiếu hụt lao động nên không có điều kiện mua về để chế biến lại. Kết hợp các yếu tố này, nhận định rằng thông tin Ecuador mở rộng sang thị trường Nhật Bản không phải là nguy cơ lớn đối với tôm Việt Nam nói chung, với Thực phẩm Sao Ta nói riêng.

Khánh Ly
Cùng chuyên mục