ĐHĐCĐ BIDV: Quốc tế hóa quản trị BIDV, tung 120.000 tỷ đối phó Covid-19

07/03/2020 12:55 GMT+7
Mục tiêu trong thời gian tới, BIDV sẽ đổi mới 6 lĩnh vực mà Tập đoàn tài chính Hana có thế mạnh. “Chúng tôi thích được KEB Hana Bank can thiệp và mong muốn được can thiệp như thế. Mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Tập đoàn tài chính Hana”, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú nhấn mạnh.

Sáng nay (7/3), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020.

Cuộc họp được tổ chức vào thời điểm dịch Covid-19 do virus corona có những diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, BIDV đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh để cuộc họp diễn ra thành công.

ĐHĐCĐ BIDV: Quốc tế hóa quản trị BIDV, tung 120.000 tỷ đối phó Covid-19 - Ảnh 1.

ĐHĐCĐ BIDV diễn ra trong bối cảnh Hà Nội có một ca dương tính mới với Covid-19

Phát biểu khai mạc đại hội, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cho biết trong bối cảnh Hà Nội có một ca dương tính mới với Covid-19 nhưng đại hội vẫn phải diễn ra theo kế hoạch và luật định. Ngân hàng cũng đã triển khai những biện pháp phù hợp để đảm bảo an toàn cho cổ đông tham dự đại hội.

Kế hoạch 12.500 tỷ lợi nhuận, công bố gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỷ đối phó Covid-19

Tại ĐHĐCĐ, trả lời cầu hỏi của cổ đông về hoạt động xử lí nợ xấu tại VAMC và tình hình kinh doanh 2 tháng đầu năm 2019 của ngân hàng, Chủ tịch BIDV cho biết đến cuối năm 2019, dư nợ tại VAMC là khoảng 9.300 tỷ đồng trong đó đã trích lập dự phòng 6.300 tỷ đồng. Trong những tháng đầu năm, BIDV đã tích cực trích lập dự phòng và đến thời điểm hiện tại ngân hàng đã hoàn tất mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC.

Về tình hình hoạt động 2 tháng đầu năm 2020, lãnh đạo BIDV cho biết mọi hoạt động diễn ra bình thường, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong đó huy động vốn giảm 1,6% và dư nợ tín dụng giảm gần 2%.

Theo ông Tú, sự suy giảm này là "phù hợp với xu hướng" do tính mùa vụ khách hàng ít vay vào tháng 1 - 2 do tâm lý Tết )và ảnh hưởng rất mạnh từ dịch Covid-19 từ cả phía cung lẫn phía cầu.

Chênh lệch thu chi 2 tháng đầu năm ước đạt 5.700 tỷ đồng, hoành thành 16,8% kế hoạch cả năm. Với kết quả này BIDV đã đảm bảo được hoạt động trích lập dự phỏng rủi ro và mua lại toàn bộ trái phiếu từ VAMC.

"Lợi nhuận đến thời điểm hiện tại đảm bảo kế hoạch đề ra nhưng do diễn biến dịch bệnh phức tạp nên BIDV sẽ xây dựng kịch bản một cách tốt nhất để đảm bảo không bị động ở bất cứ tình huống nào", Chủ tịch Phan Đức Tú cho hay.

Về kế hoạch kinh doanh cho cả nưm 2020, trong ĐHCĐ năm 2020, BIDV trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 12.500 tỉ đồng, tăng gần 15% so với mức thực hiện của năm 2019. Tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch được NHNN giao (hiện là 9%); huy động vốn dự kiến tăng trưởng 9%; phấn đấu đưa tỉ lệ nợ xấu xuống dưới 1,6% và tỉ lệ chi trả cổ tức dự kiến là 7%.

Chủ tịch BIDV nhấn mạnh, "kế hoạch kinh doanh năm 2020 mà ban lãnh đạo trình cổ đông thông qua lần này là kịch bản tích cực nhất. Tuy nhiên, dựa theo tình hình lúc này điều đó sẽ hơi khó khăn".

Cũng tại phần hỏi đáp, chia sẻ với cổ đông về mức độ tham gia của BIDV trong gói hỗ trợ tín dụng mới được ban hành, lãnh đạo ngân hàng cho biết BIDV đã công bố gói hỗ trợ tín dụng với quy mô 120.000 tỷ đồng, tuy nhiên trước mắt mới chỉ triển khai 28.000 tỷ.

BIDV cũng đã chủ động báo cáo NHNN, xây dựng các biện pháp chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp. Chúng tôi đã triển khai khảo sát đánh giá nhu cầu của khách hàng, phân loại các nhóm nhu cầu khách hàng. Khách hàng có nhu cầu muốn vay mới thì được tiếp cận gói vay mới. Khách hàng muốn giãn nợ thì sẽ được giãn nợ và có thể được giảm lãi.

Chia sẻ thêm về tác động của Covid-19, ông Lê Ngọc Lâm, Phụ trách Ban điều hành BIDV cho hay đến thời điểm này, rất khó có con số chính xác mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến đâu. Các ngân hàng vẫn đang trong quá trình rà soát, thống kê. Tại BIDV, nếu thống kê theo các ngành có khả năng bị ảnh hưởng, tổng dư nợ cỡ khoảng 140.000 tỷ.

"Quốc tế hóa quản trị BIDV" - việc chưa có tiền lệ

ĐHĐCĐ BIDV: Quốc tế hóa quản trị BIDV, tung 120.000 tỷ đối phó Covid-19 - Ảnh 3.

Mục tiêu kinh doanh của BIDV năm 2020

Về việc hợp tác với KEB Hana Bank, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú gọi sự tham gia quản trị của Tập đoàn tài chính Hana là "quốc tế hóa quản trị BIDV", trước đây chưa từng có. Hơn 10 chuyên gia lớn của phía cổ đông chiến lược Hana đã tham gia vào HĐQT, Ban điều hành và các ban lớn của BIDV.

Mục tiêu ít nhất 5 năm tới của BIDV là đổi mới 6 lĩnh vực mà KEB Hana Bank có thế mạnh, bao gồm: thay đổi cung cách quản trị hệ thống; đổi mới cách thức quản trị hệ thống công nghệ thông tin và ngân hàng số, dịch vụ số; đa dạng hóa danh mục đầu tư; tăng cường quản trị rủi ro; tăng trường hoạt động bán lẻ và đào tạo nguồn nhân lực.

Ngoài ra, BIDV rà soát những lĩnh vực Tập đoàn tài chính Hana có thể mạnh mà BIDV chưa có để đưa ra chiến lược phát triển hiệu quả nhất cho ngân hàng. "Chúng tôi thích được KEB Hana Bank can thiệp và mong muốn được can thiệp như thế. Mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Tập đoàn tài chính Hana", ông Phan Đức Tú nhấn mạnh.

Được biết, KEB Hana Bank đã chính thức trở thành đối tác chiến lược của BIDV từ ngày 6/11/2019 với tỷ lệ sở hữu 15% vốn điều lệ (sau phát hành), thời gian nắm giữ cổ phần ít nhất 5 năm, với tổng giá trị giao dịch là 20.300 tỷ đồng. Đây là giao địch M&A với một nhà đầu tư chiến lược lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, mở ra các cơ hội phát triển cho BIDV trong giai đoạn mới.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục