Điểm tên cổ phiếu ngân hàng "nổi sóng" phiên giao dịch hôm nay (28/3)
Chốt phiên giao dịch ngày 28/3, VN-Index tăng 7,09 điểm (0,55%) lên 1.290,18 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 1,07 điểm (0,44%) lên 243,92 điểm.
Cổ phiếu TCB "tím lịm"
Trong đó, cổ phiếu TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank; HoSE: TCB) là tâm điểm sự chú ý khi nhà băng này mới đề cập đến kế hoạch chi trả cổ tức năm 2023 tại tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông năm 2024.
Theo tài liệu họp, HĐQT Techcombank lên phương án chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 115%, trong đó 15% bằng tiền mặt và 100% bằng cổ phiếu. Đây là lần đầu tiên Techcombank trả cổ tức cho cổ đông sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận để củng cố nền tảng, phát triển kinh doanh.
Ngay sau khi có thông tin chính thức, nhà đầu tư tranh mua cổ phiếu TCB ngay trong phiên ngày 28/3, đẩy giá cổ phiếu TCB tăng kịch trần lên mức 48.700 đồng/cổ phiếu.
Chốt phiên giao dịch ngày 28/3, cổ phiếu TCB tăng 5,38% lên mức 48.000 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh giao dịch hơn 30 triệu đơn vị. Tại mức giá này, vốn hóa của Techcombank ở mức 169.080 tỷ đồng, tăng 6% so với chốt phiên giao dịch ngày 27/3 (160.450 tỷ đồng) và tăng 50% so với đầu năm.
Vốn hóa ACB lập kỷ lục
Trong phiên ngày 28/3, cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu cũng là một trong những cổ phiếu gây ấn tượng của nhóm cổ phiếu ngân hàng khi tăng 350 điểm (1,25%) lên mức 28.350 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh giao dịch hơn 12,4 triệu đơn vị.
Giá trị vốn hóa thị trường của ACB vượt ngưỡng 110.112 tỷ đồng. Đây là mức vốn hóa kỷ lục mà ngân hàng này đạt được kể từ khi cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán.
Theo tài liệu Đại hội cổ đông năm 2024, ACB dự trình tổng tài sản đến cuối năm đạt 805.050 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm; lợi nhuận trước thuế đạt 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước; tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 11% đạt 593.779 tỷ đồng.
Tăng trưởng cho vay khách hàng là 14% đạt 555.866 tỷ đồng. ACB cho biết, đây là mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thị trường, đồng thời tuân thủ theo mức Ngân hàng Nhà nước giao. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2% (cuối năm 2023 là 1,21%).
Ngoài ra, Ngân hàng ACB cũng dự trình kế hoạch chia cổ tức năm 2023 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2023 và còn lại từ các năm trước chưa chia, với 19.886 tỷ đồng.
Cổ phiếu LPB khớp lệnh gần 4,3 triệu đơn vị
Chốt phiên giao dịch chiều ngày 28/3, cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (HoSE: LPB) tăng 0,9% lên mức 16.900 đồng/cổ phiếu. Khớp lệnh giao dịch gần 4,3 triệu đơn vị và dư mua hơn 409.100 đơn vị. Ở mức giá này, vốn hóa của LPB lên 43.223 tỷ đồng, tăng nhẹ so với chốt phiên giao dịch hôm qua (42.840 tỷ đồng).
Ngân hàng này cũng vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Trong tài liệu, LPBank dự trình lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 35% so với kết quả đạt được năm 2023. Tổng tài sản dự kiến đạt 427.260 tỷ đồng, tăng 11,6%. Tín dụng thị trường 1 dự kiến tăng 15,8%. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng thực tế có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào giới hạn tăng trưởng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, LPBank định hướng chiến lược không chia cổ tức trong 3 năm tới nhằm từng bước xây dựng nền tảng và tăng cường năng lực tài chính thông qua việc sử dụng lợi nhuận để bổ sung vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh, đầu tư vào các dự án trọng điểm.
Đáng chú ý, theo tài liệu, LPBank muốn chào bán thêm tối đa 800 triệu cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng. Giá chào bán không thấp hơn mệnh giá, mức giá cụ thể ủy quyền cho HĐQT quyết định. Cổ phiếu mới chào bán không bị hạn chế chuyển nhượng.
Nếu tăng vốn thành công, vốn điều lệ mới của LPBank sẽ đạt 33.576 tỷ đồng, thuộc Top các ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất Việt Nam.